Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tiếp tục hoàn thiện xây dựng Chính phủ điện tử ngành tài chính hướng tới Bộ Tài chính số

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Tiếp tục hoàn thiện xây dựng Chính phủ điện tử ngành tài chính hướng tới Bộ Tài chính số

Bộ Tài chính vừa ban hành Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số. Đây là bản kiến trúc có ý nghĩa quan trọng nhằm quy hoạch tổng thể hệ sinh thái số của ngành Tài chính, làm cơ sở cho các đơn vị trong ngành hoàn thiện kiến trúc chính phủ số thành phần, hướng tới mục tiêu chung là kiến tạo Bộ Tài chính số, Chính phủ số tại Việt nam. Nhằm cung cấp thêm thông tin về kiến trúc tổng thể cũng như quá trình chuyển đổi số đang diễn ra tại Bộ Tài chính, Cổng TTĐT Bộ Tài chính đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hùng – Phó cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính.

image

Ông Nguyễn Việt Hùng – Phó cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính. Ảnh: Tuệ Anh

Bộ Tài chính gần đây đã ban hành Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số theo Quyết định số số 2366/QĐ-BTC ngày 31/12/2020. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Việc ban hành Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số mang lại cho ngành Tài chính ý nghĩa to lớn. Đó là, nó đã đề ra một quy hoạch tổng thể hệ sinh thái số, hệ sinh thái CNTT để giúp nâng cao hiệu lực hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước của ngành tài chính cũng như chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp dựa trên nền tảng dữ liệu mở và dữ liệu lớn, hướng tới ngành tài chính số với mục tiêu lấy người dùng làm trung tâm. Tạo nền tảng cho ngành Tài chính tiếp cận nắm vai trò chủ động, kiến tạo trong dựng chính phủ số tại Việt Nam.

Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số còn là cơ sở để các đơn vị trong ngành hoàn thiện kiến trúc chính phủ số thành phần của mình. Đảm bảo công tác triển khai ứng dụng CNTT được thực hiện có lộ trình, đồng bộ trong ngành Tài chính hướng tới mục tiêu chung, góp phần xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số trong tương lai gần.

Kiến trúc tổng thể được ban hành lần này có điểm gì khác so với Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính đã được Bộ Tài chính ban hành tại Quyết định 2445/QĐ-BTC ngày 28/12/2018?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Dựa trên hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 ban hành khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tiếp thu và bổ sung một số cách diễn đạt, cách tổ chức theo đúng hướng dẫn tại Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT. Đồng thời, chúng tôi bổ sung 5 mô hình tham chiếu gồm: mô hình tham chiếu nghiệp vụ; mô hình tham chiếu dữ liệu; mô hình tham chiếu ứng dụng; mô hình tham chiếu công nghệ; mô hình tham chiếu an toàn thông tin.

Chúng tôi cũng cập nhật bổ sung một số văn bản của Đảng, Chính phủ liên quan đến việc thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 như: Nghị quyết số 17/NQ-CP;Quyết định số 844/QĐ-BTC; Nghị quyết 52-NQ/TW; Nghị quyết 50/NQ-CP; Quyết định số 749/QĐ-TTg; Quyết định số 2289/QĐ-TTg…

Ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được sau 2 năm triển khai phiên bản Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính đầu tiên được ban hành?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Sau khi Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2445/QĐ-BTC ngày 28/12/2018 về việc ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính, các đơn vị thuộc Bộ đã rất khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ cụ thể hướng tới các mục tiêu trong quyết định này.

Tính tới hết năm 2020, toàn ngành Tài chính đã đạt được kết quả rất khả quan. Riêng về mảng dịch vụ công trực tuyến: Bộ Tài chính đã triển khai, cung cấp 977 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 106 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1; 288 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 192 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 391 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính là 583 dịch vụ công trực tuyến (đạt tỷ lệ 60%). Rất nhiều dịch vụ công trực tuyến quan trọng của Bộ Tài chính đã được kết nối thành công lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Bộ Tài chính đã xây dựng thử nghiệm Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ tài chính và hoàn thành kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính đã hoàn thành cung cấp dữ liệu 15 chỉ tiêu kinh tế xã hội theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ và 9/9 chỉ tiêu điều hành hằng ngày theo Công văn số 4699/VPCP-KSTT ngày 12/6/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã có 6 cơ sở dữ liệu thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính đã được hoàn thành, đi vào hoạt động và có 6 cơ sở dữ liệu thành phần đang trong quá trình hoàn thiện.

Để thực hiện kiến trúc chính phủ điện tử tài chính số, Bộ Tài chính đã đề xuất mô hình tổng thể về quy hoạch hệ sinh thái CNTT hướng tới nền tài chính số. Tiếp theo là đã chuyển đổi mô hình hạ tầng máy chủ tính toán từ hệ thống cũ sang ảo hóa 100%, tiến tới xây dựng nền tảng điện toán đám mây ngành Tài chính.

Bộ Tài chính đã quy hoạch, duy trì, nâng cấp nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu ngành và đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin nghiệp vụ lớn như: hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành; hệ thống quản lý cán bộ; hệ thống quản lý giá giai đoạn 2…

Bộ Tài chính hiện đang tích cực triển khai một số hệ thống thông tin cốt lõi của ngành như: các hệ thống cốt lõi của Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan và sắp tới là Tổng cục Thuế. Đang nghiên cứu đưa các công nghệ mới của thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào hệ thống cốt lõi như nhúng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý người nộp thuế, thí điểm ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật (IoT) vào một số lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của ngành Tài chính.

Trong những năm qua, chúng tôi cũng xây dựng được những văn bản hướng dẫn những hệ thống công nghệ phục vụ rà quyét lỗ hổng bảo mật, hệ thống chống tấn công có chủ đích và đang xây dựng và vận hành hệ thống Trung tâm giám sát an ninh mạng (SOC) của Bộ Tài chính. Bộ cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của Chính phủ để đảm bảo cho công tác an toàn, an ninh thông tin trong ngành Tài chính nói riêng và hệ thống lớn của Chính phủ nói chung. Đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ số.

Vấn đề chuyển đối số trong thời gian qua được Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm nhằm mục tiêu hướng tới Bộ Tài chính số, Chính phủ số. Xin ông cho biết, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện quá trình chuyển đổi số như thế nào?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Lãnh đạo Bộ Tài chính qua các thời kỳ đều rất quan tâm đến công tác ứng dụng và phát triển CNTT để phục vụ sự phát triển của ngành. Ngay từ khi Chính phủ ra chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 09/3/2018 về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, đã cụ thể hóa được các yêu cầu của Chính phủ.

Tiếp đó là Quyết định số 446/QĐ-BTC ngày 30/03/2018 của Bộ Tài chính về Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 09/3/2018 về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong ngành, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, ngày 21/5/2020 Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-BTC về kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025.

Ngày 12/6/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 843/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch của Bộ Tài chính triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiếp đến ngày 27/11/2020, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 1874/QĐ-BTC về Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Như vậy, cho đến nay hệ thống văn bản liên quan đến chủ trương, chính sách và kế hoạch hành động của Bộ Tài chính về CMCN 4.0, Chính phủ điện tử và chuyển đổi số đã cơ bản đầy đủ và có tính chất liên kết chặt chẽ, xuyên suốt, liên thông và bổ sung cho nhau để triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính. Các văn bản này là cơ sở pháp lý, tiền đề để hướng tới xây dựng Bộ Tài chính số, đáp ứng mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số mà Chính phủ đã đặt ra cho giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số của các bộ, ngành hiện nay? Làm thế nào có thể vượt qua các thách thức này, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Bản chất của chuyển đổi số không chỉ là quá trình chuyển đổi về công nghệ mà điều quan trọng nhất là chuyển đổi về tư duy, nhận thức và quy trình nghiệp vụ. Vì vậy, tôi cho rằng thách thức lớn nhất trong quá trong quá trình chuyển đổi số sự quyết tâm chuyển đổi của người đứng đầu, chuyển đổi văn hóa làm việc. Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi cập nhật nhiều kiến thức mới, tiêu chuẩn mới mới mà đội ngũ cán bộ công chức cần phải thường xuyên học tập, cập nhật. Bên cạnh đó, để triển khai được lộ trình chuyển đổi số còn cần kinh phí, vì vậy những quy trình thủ tục về đầu tư ứng dụng CNTT tại cơ quan nhà nước và trong các tổ chức, doanh nghiệp cần được tháo gỡ, để rút ngắn thời gian, thủ tục, có như vậy mới đáp ứng được mục tiêu đã đề ra.

Xin cảm ơn ông!

Tuệ Anh thực hiện​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính