Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập

Đây là một trong số những giải pháp được Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đề cập nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong cuộc trao đổi với phóng viên chiều ngày 08/12/2022. Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính xin dẫn lại một số nội dung chính trong cuộc trao đổi này.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng trả lời phỏng vấn

PV: Xin Thứ trưởng đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sau 5 năm triển khai thực hiện?

Thứ trưởng Võ Thành Hưng:

Sau 5 năm triển khai thực hiện, chúng tôi đánh giá cái được lớn nhất là đổi mới về mặt nhận thức. Trên cơ sở Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đều đã xây dựng các chương trình hành động. Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương đã trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định.

Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 về cơ chế tự chủ tài chính với các đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành 05 Thông tư hướng dẫn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, mới đây nhất là Thông tư 56/2022/TT-BTC hướng dẫn về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là các văn bản hết sức quan trọng trong việc đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tạo hành lang pháp lý cho các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập trên cả nước triển khai cơ chế tự chủ theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương.

Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy việc tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Số lượng các đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi thường xuyên và đầu tư đã tăng nhanh trong giai đoạn qua. Nếu như năm 2015 chúng ta chỉ có khoảng 2.000 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và tự chủ chi thường xuyên và đầu tư thì đến nay con số này đã lên tới 3.000 đơn vị. Trong đó, đối với các khối giáo dục đào tạo, thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương, đến nay có gần 30 trường Đại học thực hiện cơ chế tự chủ. Đối với khối sự nghiệp y tế, cơ bản các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện tự chủ từ một phần cho đến tự chủ toàn bộ chi thường xuyên và chi thường xuyên và đầu tư. Đối với các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế, số lượng các đơn vị thực hiện tự chủ chi thường xuyên và chi thường xuyên và đầu tư cũng gấp khoảng 3-4 lần giai đoạn trước. Trên cơ sở tự chủ đó, chúng ta có cơ hội để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, giảm phần hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị sự nghiệp này, dành phần tiền đó để hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, đối tượng khó khăn, đối tượng chính sách.

PV: Thưa ông, qua 5 năm triển khai thực hiện đã phát sinh những vướng mắc gì và sắp tới cần có giải pháp gì để đạt mục tiêu đề ra?

Thứ trưởng Võ Thành Hưng: Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số điểm hạn chế, tồn tại, vướng mắc.

Thứ nhất, nhận thức của một số cơ quan, đơn vị, cá nhân trong các đơn vị sự nghiệp công lập còn chưa muốn thực hiện tự chủ, vẫn mong muốn dựa vào phần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

Thứ hai, cơ chế, chính sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là các văn bản về định mức kinh tế kỹ thuật của một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa được ban hành đầy đủ hoặc ban hành chậm, hướng dẫn chậm. Trong quá trình triển khai thực hiện còn có hạn chế do chưa có cơ chế thực hiện như đặt máy, mượn máy tại các bệnh viện, gây bức xúc trong xã hội.

Thứ ba, việc thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phải đối mặt với thách thức. Đó là, một mặt chúng ta yêu cầu các đơn vị sự nghiệp tự chủ cao hơn trên cơ sở điều chỉnh giá phí, nhưng mặt khác chúng ta cũng muốn kiềm chế lạm phát, muốn giá dịch vụ đó phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Do đó, lộ trình điều chỉnh giá phí dịch vụ công trong thời gian qua chưa đạt mục tiêu yêu cầu đặt ra. Đến hết năm 2021, các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên, chi thường xuyên cộng chi đầu tư mới đạt khoảng 6-7% (mục tiêu theo Nghị quyết 19 là 10%).

PV. Vậy thì giải pháp sắp tới để đẩy nhanh tiến độ thực hiện này sẽ thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Võ Thành Hưng: Từ thực tiễn nêu trên, thời gian tới, chúng ta phải hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thành việc ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; ban hành danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước, ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở cho việc xác định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Về phía Bộ Tài chính, sẽ tiếp tục rà soát, lấy ý kiến các Bộ, địa phương và hoàn thiện cơ chế, chính sách được giao chủ trì, trong đó có nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP để tháo gỡ vướng mắc cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công tính đúng, tính đủ chi phí theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang cơ chế tự chủ ở mức cao hơn. Đồng thời, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách sử dụng dịch vụ sự nghiệp công, phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công.

Sắp tới, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về nội dung này để có lộ trình điều chỉnh giá phí dịch vụ y tế phù hợp.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, đảm bảo việc thực hiện tự chủ, đặc biệt là tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công, đảm bảo đúng quy định, kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).

Xin cảm ơn ông!

 

- Tính đến 31/12/2021, có 3.135 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên trở lên, chiếm 6,6% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập , tăng 1.078 đơn vị so với năm 2016 (số liệu theo Đề án của Bộ Nội vụ năm 2016 có 2.057 đơn vị tự chủ tài chính, chiếm 3,54%). Lĩnh vực giáo dục đào tạo có 23 trường thực hiện thí điểm tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và đầu tư theo Nghị quyết số 77/NQ-CP; Lĩnh vực Y tế có 02 bệnh viện thực hiện thí điểm tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và đầu tư. Bộ Y tế năm 2015 có 14 đơn vị tự chủ chi thường xuyên, đến năm 2022 đã có 36 đơn vị tự chủ chi thường xuyên.

- NSNN đã từng bước giảm cấp chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ, do giảm biên chế, sắp xếp bộ máy. Cụ thể, giai đoạn 2017-2020, NSTW đã thực hiện giảm cấp chi thường xuyên của các cơ sở y tế là 821,6 tỷ đồng; của các cơ sở giáo dục đào tạo là 834,5 tỷ đồng.

HP​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính