Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát lạm phát dưới 4%

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH  
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát lạm phát dưới 4%

Trong thông báo kết luận số 178/TB – VPCP của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý 1 năm 2020 cho biết, về cơ bản Ban Chỉ đạo đồng ý nội dung báo cáo, nhận định đánh giá và đề xuất kiến nghị của Bộ Tài chính-Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, Ngành “Tuyệt đối không có tư tưởng chủ quan, theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác phân tích, dự báo, nhất là những mặt hàng quan trọng để phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp đề ra với mục tiêu nhất quán là điều hành giá, kiểm soát CPI dưới 4%”.

Nhiệm vụ của các Bộ, Ngành trong quý 2 là: Kiểm soát chặt giá thịt heo để sớm đưa giá heo hơi về mức 60.000 đồng/kg trong tháng 5 này, đưa mặt hàng thịt heo vào diện bình ổn giá. Không tăng sốc giá xăng dầu cũng như không điều chỉnh giá điện trong năm 2020. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, với các mặt hàng do Nhà nước quản lý, không điều chỉnh giá trong quý 2/2020, nhất là mặt hàng đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp. Trường hợp điều chỉnh phải xem xét tính toán liều lượng, mức độ, thời điểm phù hợp, nhất là sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, y tế...

Nghiên cứu đưa thịt lợn vào danh mục bình ổn giá

Trong quý I, mặt bằng giá nhìn chung tương đối cao so với cùng kỳ năm 2019 (5,56%) nhất là trong tháng 1 tăng 1,23% đã dẫn đến việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4% gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân chủ yếu tác động làm tăng CPI chủ yếu từ nhóm thực phẩm, tăng 13,21%; trong đó, mặt hàng thịt lợn vẫn ở mức cao từ 80.000 – 86.000đ/kg lợn hơi. Do đó, Thủ tướng yêu cầu triển khai các giải pháp, tập trung đảm bảo nguồn cung và kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường đối với mặt hàng thịt heo. Yêu cầu các bộ liên quan có giải pháp sớm đưa giá heo hơi giảm về mức khoảng 60.000 đồng/kg phấn đấu ngay trong tháng 4, đầu tháng 5 gắn với việc bảo đảm lợi ích hợp lý, hài hòa giữa người sản xuất, khâu phân phối và người tiêu dùng.

M:\Thu tuong.jpg

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nguồn: chinhphu.vn

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phải xây dựng kế hoạch tái đàn cụ thể, tổ chức chăn nuôi theo từng vùng, từng khu vực chăn nuôi (doanh nghiệp, hộ gia đình) với lộ trình cụ thể, từng tháng để sớm đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu trong nước ngay đầu quý 3. Có phương án điều hòa cung cầu thịt heo và báo cáo định kỳ hàng tháng.

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thực hiện đúng cam kết về giảm giá bán heo hơi và việc cung ứng số lượng heo hơi. Kiểm tra giá thành heo hơi tại các doanh nghiệp, có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thao túng giá thì thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời và yêu cầu giảm giá theo đúng tinh thần chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện quy trình để trình Chính phủ ban hành trong tháng 4 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp với Cục Thú ý – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn thông quan đối với lượng hàng thịt lợn nhập khẩu. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn qua biên giới. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo thông quan hàng hóa, tuyên truyền sử dụng các sản phẩm thay thế thịt heo.

Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát để hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi theo kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán của các thương nhân mua bán thịt heo và xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá cao; giám sát và xử nghiêm việc buôn bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu heo sống và thịt heo sống trái phép. Kiểm soát giá đầu vào mặt hàng thức ăn chăn nuôi, có giải pháp bình ổn giá, nghiên cứu đưa mặt hàng thịt heo vào danh mục bình ổn giá.

Không điều chỉnh giá trong quý 2

Với các mặt hàng do Nhà nước quản lý, Thủ tướng yêu cầu không điều chỉnh giá trong quý 2/2020, nhất là mặt hàng đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp. Trường hợp điều chỉnh phải xem xét tính toán liều lượng, mức độ, thời điểm phù hợp, nhất là sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, y tế. Trong thông báo kết luận số 178/TB – VPCP, Thủ tướng đã phân công nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành đối với từng mặt hàng thiết yếu, cụ thể:

Đối với mặt hàng xăng dầu: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và bộ, ngành liên quan để tiếp tục chủ động theo sát diễn biến giá thế giới, đồng thời kết hợp công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá ổn định hoặc không tăng giá đột biến, góp phần bình ổn giá cả thị trường trong nước, hỗ trợ đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng xăng sinh học theo chủ trương của Chính phủ; Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Đối với mặt hàng điện: Về cơ bản sẽ không xem xét điều chỉnh tăng trong năm 2020. Bộ Công Thương cần tiếp tục đánh giá, hướng dẫn thực hiện chủ trương giảm giá điện có hiệu quả, nhất là giảm giá điện đối với đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo. Đồng thời, Bộ Công Thương hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán, chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí để tránh trường hợp lỗ và treo các khoản lỗ.

Đối với mặt hàng Gas/LPG: Bộ Tài chính cần tiếp tục kiểm soát chặt công tác kê khai giá. Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt nguồn cung trong nước và nhập khẩu để đảm bảo nhu cầu.

Còn mặt hàng gạo cần theo dõi diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp quản lý điều hành nhằm bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, dự trữ quốc gia, quyền lợi của người nông dân, sản xuất, người tiêu dùng.

Đối với mặt hàng vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịchGiao cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chủ động đề xuất báo cáo Chính phủ áp dụng biện pháp bình ổn giá các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch bệnh theo quy định tại Luật giá và các văn bản hướng dẫn.

Đối với dịch vụ hàng không, BOT, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành triển khai việc thu phí không dừng, tăng kiểm tra để ngăn chặn, xử nghiêm việc gian lận, tiêu cực trong hạch toán doanh thu dự án BOT.

Đối với sách giáo khoa: Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thành các thủ tục để trình Chính phủ xem xét phê duyệt, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để đưa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nhằm đảm bảo công bằng trong biên soạn sử dụng sách. Với sách giáo khoa lớp 1 phục vụ năm 2021-2022, thực hiện theo quy định hiện hành, nhưng đề nghị các nhà xuất bản rà soát phương án giá đã kê khai, kiểm soát chặt chẽ chi phí, tiếp tục hỗ trợ giảm giá hỗ trợ người tiêu dùng.

Đối với mặt hàng nước sạch: Thủ tướng yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực tế để thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sinh hoạt, giá dịch vụ, phí, lệ phí.

Đối với vật liệu xây dựng, nhà ở: Bộ Xây dựng cần theo dõi diễn biến giá trên thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là dự án trọng điểm, nhất là giá thép và giá cát. Giá thị trường bất động sản thương mại, nếu có biến động tăng giá thì có biện pháp quản lý, điều chỉnh cung cầu phù hợp.

Mộc Lan​


Bộ Tài chính