Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thu ngân sách vượt dự toán, tạo điều kiện tích cực điều hành chính sách tài khóa

TIN TỨC SỰ KIỆN Tin tài chính  
Thu ngân sách vượt dự toán, tạo điều kiện tích cực điều hành chính sách tài khóa

Theo thông tin về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 9/2022 và 9 tháng đầu năm 2022 của Bộ Tài chính, kết quả thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, trong đó: thu nội địa đạt 88,9%, thu dầu thô đạt 213% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán, các khoản thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh đều đạt trên 83% dự toán và tăng trên 13,3% so cùng kỳ năm trước.

Tác động tích cực từ các chương trình phục hồi kinh tế đến thu NSNN

Cụ thể, thu nội địa lũy kế thu 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.045,8 nghìn tỷ đồng, bằng 88,9% dự toán, tăng 18,8% so cùng kỳ năm 2021. Thu từ dầu thô lũy kế thu 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 60 nghìn tỷ đồng, bằng 213% dự toán, tăng 103,5% so cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do giá dầu tăng mạnh.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu lũy kế thu 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt gần 216,5 nghìn tỷ đồng, bằng 108,8% dự toán, tăng 22,1% so cùng kỳ năm 2021, trên cơ sở: tổng số thu thuế ước đạt 329,5 nghìn tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ gần 113 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8% dự toán.

Đến hết tháng 9 năm 2022, có 05 khoản thu vượt dự toán là khoản thuế thu nhập cá nhân (đạt 108,8%), các khoản thu về nhà, đất (đạt 118,4%); thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (đạt 104,2%), thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác (đạt 113,3%) và thu khác ngân sách (đạt 116,2%). Tuy nhiên, vẫn còn 02 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 62,1% dự toán, bằng 84,1% so cùng kỳ) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 59% dự toán).

Cơ quan thuế, hải quan nỗ lực trong chống thất thu NSNN. Ảnh minh họa: MT

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 61/63 địa phương thực hiện thu nội địa 9 tháng đạt trên 75% dự toán; 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 11 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đánh giá, thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 đạt kết quả khả quan khi tăng 22% so cùng kỳ năm 2021. Có được kết quả này là nhờ kết quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp... qua đó giúp tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh (GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83%, cao nhất cùng kỳ từ năm 2011 đến nay). Đây là nền tảng cho tăng thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó còn phải kể đến nỗ lực rất lớn của cơ quan thuế, hải quan trong việc tăng cường các biện pháp quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại; cải cách hành chính và tăng cường hiện đại hóa, triển khai hóa đơn điện tử; tăng cường quản lý thu thuế thương mại điện tử, đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, giúp thu hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài. Cùng với đó, ngành thuế cũng thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ của người nộp thuế... Tất cả điều đó đã đóng góp chung vào kết quả thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm như đã nêu trên. Với tiến độ thu ngân sách nhà nước như vậy, đánh giá thu ngân sách nhà nước cả năm ước đạt và vượt dự toán.

Không lơ là, chủ quan trong điều hành NSNN

Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, kết quả thu ngân sách khả quan sẽ tạo điều kiện tích cực điều hành chính sách tài khóa, đảm bảo các nhiệm vụ chi phòng dịch bệnh, thiên tai, cũng như giúp củng cố dự địa chính sách tài khóa, giảm áp lực tăng lạm phát; góp phần hỗ trợ tích cực cho cân đối ngân sách nhà nước thêm vững chắc, bù đắp được số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (ước tính khoảng 96 nghìn tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2021); tạo dư địa ổn định chỉnh sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, thu NSNN sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm thu đúng, thu đủ về ngân sách nhà nước, đồng thời tiếp tục tập trung các giải pháp quản lý thuế thương mại điện tử, hóa đơn điện tử…

Về chi ngân sách nhà nước, theo số liệu được công bố, tổng chi cân đối NSNN tháng 9 ước đạt 132,7 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 9 tháng ước đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2021, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 253,1 nghìn tỷ đồng, bằng 48,1% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi ước đạt 72,6 nghìn tỷ đồng, bằng 70% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 758,8 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán.

Các nhiệm vụ chi NSNN được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao 542,1 nghìn tỷ đồng; bên cạnh đó, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương,…) tăng khoảng 58,36 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong 9 tháng đầu năm 2022, đã thực hiện phát hành 114,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,72 năm, lãi suất bình quân 2,62%/năm.

Tuệ Anh​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính