Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thu ngân sách một năm vượt khó

TIN TỨC SỰ KIỆN Tin tài chính  
Thu ngân sách một năm vượt khó

Năm 2022 đang dần khép lại với nhiều dấu ấn của ngành Tài chính khi chính sách tài khóa tiếp tục phát huy vai trò trụ cột, đóng góp quan trọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, ngành Tài chính đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp đưa thu ngân sách nhà nước về đích trước 2 tháng và tiếp tục vượt dự toán được giao, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi cũng như đảm bảo nguồn lực cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

nh minh họa: Tuệ Anh

Nhận diện khó khăn

Có thể nói, 2022 là một năm tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động không thuận đến nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Từ xung đột vũ trang Nga - Ukraine leo thang, kết hợp với việc thực thi chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của Trung Quốc gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá xăng dầu và các mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng cao, rủi ro an ninh năng lượng, lương thực trên toàn cầu gia tăng. Lạm phát tăng cao, các nước lớn điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt, tăng lãi suất, tiềm ẩn nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn trên thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường bất động sản khó khăn. Cùng với đó, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn ở nhiều quốc gia. Các tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế lớn trong năm 2022-2023, trong đó một số quốc gia như Anh, Đức, Italia... đã có dấu hiệu rơi vào suy thoái.

 trong nước, dịch Covid-19 được kiểm soát trong năm qua. Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã bước đầu phát huy hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, giúp nền kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Hệ số tín nhiệm quốc gia tiếp tục được cải thiện.

Mặc dù vậy, quá trình điều hành đã phát sinh nhiều khó khăn, giá xăng dầu và các nguyên liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tăng áp lực kiểm soát lạm phát. Việc điều chỉnh tăng mạnh lãi suất của FED và một số nước tạo áp lực lên tỷ giá. Một số thị trường xuất khẩu vẫn còn khó khăn. Thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Thị trường bất động sản khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công chậm. Bên cạnh đó là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. Những điều này đã gây tác động không thuận đến việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022 nói chung và nhiệm vụ thu NSNN nói riêng.

Triển khai nhiều giải pháp đột phá

Trước những khó khăn nêu trên, thực hiện chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động, kịp thời đề xuất các cấp thẩm quyền các giải pháp chính sách tài khoá và tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả, đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế, kết hợp với tăng cường công tác quản lý thu, đã tác động tích cực đến kết quả thu NSNN năm 2022. Đáng chú ý có nhiều chính sách được ban hành chưa có trong tiền lệ, qua đó giúp khơi thông nhiều điểm nghẽn của nền kinh tế, thể hiện sự đột phá, sáng tạo và quyết liệt trong công tác điều hành của Bộ Tài chính trong năm vừa qua.

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2022 của ngành Tài chính diễn ra mới đây, tổng thu NSNN tính đến ngày 15/12/2022 đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng (tính đến ngày 28/12/2022 tổng thu NSNN ước đạt 1.784,8 nghìn tỷ đồng), bằng 119,8% dự toán, cao hơn 77,8 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Trong đó, thu nội địa vượt 13,4% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 39,8% dự toán, thu NSNN từ dầu thô vượt 159,6% dự toán.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tập trung rà soát, chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2022 để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022 để kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Dự kiến tổng số miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất theo các chính sách này khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng. Kết quả thực hiện đến ngày 15/12/2022, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được miễn, giảm, gia hạn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng. Mặc dù chịu tác động giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, song việc thực hiện các chính sách này đã có tác động tích cực thúc đẩy duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh, đồng thời tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.

Trong những tháng đầu năm, một số khoản thu có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2021. Đến hết tháng 4/2022, thuế thu nhập cá nhân tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhờ quyết toán thuế năm 2021 từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán... nộp trong quý đầu tiên của năm 2022. Thu tiền sử dụng đất tăng 21,2% nhờ thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh, cơ quan thuế cũng đã tăng cường đôn đốc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và thu nợ đối với các dự án đã thực hiện giao đất và cho thuê đất trong năm 2021.

Sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, có được kết quả thu NSNN đó là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Nền kinh tế phục hồi tích cực, GDP 9 tháng tăng 8,83%, mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây; ước cả năm tăng 8%. Các hoạt động sản xuất - kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng và trở lại trạng thái bình thường mới khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 11 tháng đầu năm đạt khoảng 194,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, hoạt động du lịch, vận tải hành khách và hàng hóa phục hồi mạnh mẽ. Trong đó, một số ngành có đóng góp lớn cho NSNN duy trì mức tăng trưởng khá như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện ngành khai khoáng...

Bên cạnh đó, Tư lệnh ngành Tài chính cũng cho rằng để có được kết quả thu NSNN về đích sớm và vượt dự toán như vậy phải kể đến nỗ lực rất lớn của cơ quan Thuế, Hải quan đã tăng cường các biện pháp quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, chống thất thu. Tính đến ngày 15/12/2022, cơ quan Thuế đã thực hiện 68,9 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 779,3 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; qua đó kiến nghị xử lý tài chính 63,36 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN khoảng 14,87 nghìn tỷ đồng; đồng thời, đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế ước đến hết 11 tháng là 29,4 nghìn tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã thực hiện hơn 17,3 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra tại đơn vị được kiểm tra; kiểm tra 1,67 nghìn bộ hồ sơ tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 6,4 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp ngân sách 6,28 nghìn tỷ đồng; xử lý vi phạm hành chính 137,3 tỷ đồng.

Trong năm qua, Bộ Tài chính đã tăng cường cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử, rà soát những nguồn thu có tiềm năng để đưa vào quản lý thu. Đáng chú ý, năm 2022, đã vận hành Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới, đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, với tổng số thuế đã nộp là 3,44 nghìn tỷ đồng. Đẩy mạnh thu ngân sách từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, ước cả năm 2022 đạt hơn 41 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 97% so năm 2021.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung, an toàn bảo mật với đường truyền thông suốt đã góp phần làm cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng ngày càng hiện đại hóa, đơn giản, nhanh hơn, giúp tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã cán mốc 700 tỷ USD, kết hợp với giá các mặt hàng xăng dầu tăng đã góp phần tăng thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng lưu ý, mặc dù thu ngân sách đến nay đã vượt dự toán, song đến nay một số ngành, lĩnh vực đã xuất hiện những khó khăn, thách thức do chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao liên tục khi giá xăng, dầu tăng cao, đầu ra tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn như ngành sản xuất vật liệu xây dựng, làm cho sản xuất trì trệ. Kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm đạt được kết quả tích cực, nhưng áp lực từ sức ép lạm phát trên thế giới tăng cao, xung đột địa chính trị leo thang, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác. Đây sẽ là những áp lực cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong năm 2023.

Tuệ Anh​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính