Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thanh tra ngành Tài chính kiến nghị xử lý về tài chính gần 26.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021

TIN TỨC SỰ KIỆN Tin tài chính  
Thanh tra ngành Tài chính kiến nghị xử lý về tài chính gần 26.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 28.385 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 281.209 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 5.329 vụ; kiến nghị xử lý về tài chính 25.863.041 triệu đồng, trong đó: Kiến nghị thu hồi nộp NSNN 5.131.127 triệu đồng; kiến nghị tài chính khác 20.731.914 triệu đồng (bao gồm giảm trừ dự toán, giảm trừ thanh quyết toán, giảm lỗ và giảm khấu trừ); xử phạt vi phạm hành chính 1.279.055 triệu đồng; các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã thực hiện kiến nghị số tiền 2.904.432 triệu đồng.

C:\Users\tavuthuhang\Documents\29.12 TTB\CTT 2.JPG

Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính

Tập trung kiểm tra, thanh tra có trọng tâm

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tuy bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đều khẩn trương, chủ động tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt; nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ Tài chính. Đồng thời, các đơn vị cũng khẩn trương hoàn thiện và lưu hành kết luận thanh tra, kiểm tra của các đoàn thanh tra, kiểm tra đã thực hiện, chủ động chuẩn bị đề cương kế hoạch, thu thập thông tin phục vụ khảo sát để kịp thời triển khai thanh tra theo kế hoạch. Cụ thể:

Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 17 cuộc thanh tra, kiểm tra, gồm 09 cuộc triển khai kỳ trước chuyển sang, 08 cuộc triển khai trong kỳ báo cáo (trong đó có 5 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 02 cuộc thanh tra đột xuất). Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính 5.010.878 triệu đồng tại 08 đơn vị. Ngoài ra còn thực hiện 03 cuộc thanh tra hành chính là các cuộc thanh tra theo kế hoạch đã phê duyệt; lưu hành 02 kết luận thanh tra tại 02 đơn vị. Qua thanh tra kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp NSNN 15.652 triệu đồng. Các đơn vị được thanh tra đã thực hiện kiến nghị thu nộp NSNN 4.053 triệu đồng.

Trong khi đó, toàn hệ thống thuế đã thực hiện 26.721 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 281.209 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 19.137.885 triệu đồng, ban hành 23.782 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1.108.731 triệu đồng. Số tiền đã nộp NSNN là 2.177.666 triệu đồng.

Hệ thống Hải quan đã thực hiện 39 cuộc gồm 35 cuộc trong kế hoạch thanh tra và 04 cuộc đột xuất (trong đó có 15 cuộc thuộc kế hoạch thanh tra kỳ trước chuyển sang và 24 cuộc thanh tra triển khai trong kỳ). Qua thanh tra phát hiện và kiến nghị truy thu là 44.486 triệu đồng; ban hành 23 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 17.272 triệu đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN là 53.350 triệu đồng.

Hệ thống KBNN đã thực hiện 439 cuộc thanh tra kiểm tra, gồm 313 cuộc theo kế hoạch và 126 cuộc đột xuất; đã ban hành 373 kết luận thanh tra tại 238 đơn vị. Qua thanh tra phát hiện 118 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng số tiền vi phạm là 14.586 triệu đồng, trong đó kiến nghị thu hồi 654 triệu đồng, kiến nghị xử lý khác 13.932 triệu đồng; đồng thời ban hành 12 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 41 triệu đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN là 14.615 triệu đồng gồm 650 triệu đồng thu nộp NSNN, xử lý vi phạm khác 13.932 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 33 triệu đồng;

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục DTNN tích cực triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã được phê duyệt, với nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành quy định pháp luật trong đấu thầu, ký kết hợp đồng, thực hiện kế hoạch nhập - xuất - luân phiên - đổi hàng, luân chuyển nội bộ, việc quản lý, sử dụng, nhập, xuất bảo quản hàng dự trữ quốc gia và công tác quản lý vốn dự trữ quốc gia... Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục DTNN đã triển khai 01 cuộc kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch, lưu hành 01 kết luận thanh tra. Qua kiểm tra đã chấn chỉnh kịp thời những tồn tại để các đơn vị hoàn thiện tốt hơn công tác quản lý hàng dự trữ theo quy định, góp phần chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong hệ thống DTNN; đồng thời kiến nghị thu nộp NSNN số tiền 90 triệu đồng.

Ủy ban CKNN đã triển khai và thực hiện 08 cuộc thanh tra, kiểm tra trong đó 01 cuộc theo kế hoạch và 07 cuộc đột xuất; đã ban hành 01 kết luận thanh tra tại 01 tổ chức. Qua thanh tra, kiểm tra đã ban hành 01 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 01 đơn vị có vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 450 triệu đồng, số tiền đã thu nộp NSNN là 450 triệu đồng. Đồng thời thông qua hệ thống giám sát thường xuyên đã phát hiện và ban hành 127 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 27 tổ chức và 100 cá nhân với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 5.665 triệu đồng triệu đồng (trong đó: Tổ chức là 1.355 triệu đồng, cá nhân là 2.343 triệu đồng).

Cục QLBH đã triển khai 01 cuộc thanh tra thuộc kế hoạch thanh tra năm 2021, lưu hành 04 kết luận thanh tra. Qua thanh tra kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm trong công tác quản lý tài chính của đơn vị như chưa chấp hành quy định về biên độ khả năng thanh toán, trích lập dự phòng, theo dõi và hạch toán công nợ, doanh thu, chi phí... đồng thời kiến nghị điều chỉnh doanh thu, chi phí, hạch toán tăng thu nhập khi tính thuế TNDN với số tiền là 14.503 triệu đồng; truy thu thuế TNDN là 75 triệu đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị, góp phần ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức và người lao động trong toàn ngành. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 502 cuộc kiểm tra nội bộ, qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 133.364 triệu đồng; số tiền đã thu nộp NSNN là 51.306 triệu đồng; đồng thời kiến nghị xử lý hành chính đối với 43 tổ chức và 172 cá nhân, trong đó đã xử lý kiểm điểm rút kinh nghiệm 150 người.

Phương hướng trong 6 tháng cuối năm

Nhận xét về công tác thanh tra, kiểm tra 6 tháng đầu năm, ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng, trong thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả theo yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Bộ Tài chính; đồng thời đảm bảo thực hiện nghiêm túc các biện pháp nhằm tăng cường phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Các đơn vị được giao chức năng thanh tra triển khai thực hiện đầy đủ quy chế giám sát hoạt động Đoàn thanh tra; Tổ giám sát đoàn thanh tra hoạt động đúng quy định, có hiệu quả, giúp cho việc chấp hành các quy định, quy trình, quy chế đoàn thanh tra được nâng cao, kỷ cương, kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ được tăng cường; không sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra. Các đoàn thanh tra chấp hành đúng quy định về trình tự, thủ tục; đảm bảo thời gian và kế hoạch được duyệt; thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra đều chấp hành nghiêm kỷ luật và quy chế. Nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất đã hoàn thành đúng tiến độ, kết quả đáp ứng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý nghiêm theo quy định các sai phạm trong công tác quản lý tài chính ngân sách; góp phần chống thất thu NSNN đồng thời, qua thanh tra, kiểm tra cũng phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về quản lý tài chính đối với các ngành, lĩnh vực. Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ thực hiện quy định về công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ.

Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới, ông Trần Huy Trường cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2021, Thanh tra Bộ Tài chính cần tiếp tục thực hiện tốt 8 nhiệm vụ như: (1) Tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 đã được phê duyệt; đồng thời đảm bảo lực lượng dự phòng đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất. Các cuộc thanh tra đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Thanh tra. Chủ động nắm bắt tình hình, thường xuyên báo cáo và đề xuất các phương án xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thanh tra. Tập trung ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc đảm bảo theo quy định; (2) Đảm bảo hoạt động giám sát Đoàn thanh tra theo đúng quy định của Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ để đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra; (3) Tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để, đồng thời có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục; (4) Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong nội bộ ngành Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan chức năng khác như cơ quan cảnh sát điều tra, Ngân hàng Nhà nước... nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy và các chất gây nghiện; (5) Tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế, hải quan và trong toàn ngành; tăng cường đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng qua đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chống các hành vi gian lận; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thông tin phục vụ thanh tra, kiểm tra ngành Tài chính; (6) Tiếp tục triển khai xây dựng các đề án, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy trình thanh tra, kiểm tra trong nội bộ ngành Tài chính làm cơ sở và tài liệu phục vụ đào tạo và áp dụng thống nhất trong hoạt động thanh tra tài chính của toàn ngành; (7) Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tăng cường bồi dưỡng bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu và có kỹ năng thanh tra, kiểm tra để đảm bảo lực lượng thanh tra là lực lượng đi đầu trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm trong ngành Tài chính; (8) Bám sát các hoạt động thanh tra kiểm tra của các đơn vị được giao chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, phối hợp rà soát, kịp thời điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp.

Đồng thời, ông Trần Huy Trường cũng cho biết, Bộ Tài chính đề xuất Thanh tra Chính phủ sớm tổ chức tập huấn về công tác báo cáo và hoàn thiện phần mềm để các đơn vị nhập dữ liệu theo đúng quy định của Thông tư số 02/2021/TT-TTCP ngày 22/3/2021 của Thanh tra Chính phủ. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra cần tăng cường quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ cho thanh tra các Bộ, ngành và địa phương, đồng thời quy định rõ các chế tài đảm bảo trong quá trình thanh tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra.

Kim Chung​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính