Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tháng 9, giải ngân vốn ODA tăng 3,14%

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Tháng 9, giải ngân vốn ODA tăng 3,14%

Sáng nay (12/10), Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị với các Bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng đầu năm. Theo số liệu thống kê được đưa ra tại Hội nghị, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong tháng 9 đã tăng 3,14%, đạt hơn 4.315 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu tham dự Hôi nghị, để kết quả giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài đạt được như cam kết, từ nay đến cuối năm, các Bộ, ngành vẫn cần cố gắng, nỗ lực hơn rất nhiều.

10 Bộ, ngành cam kết hoàn thành giải ngân

Báo cáo tại Hội nghị, ông Hoàng Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, so với kết quả báo cáo tại cuộc họp diễn ra vào tháng 8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong tháng 9 đã tăng 3,14%, đạt hơn 4.315 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm 2020, các Bộ còn tập trung giải ngân tiếp dự toán năm 2019 và phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn, trị giá 2.671 tỷ đồng. Bộ Tài chính ghi nhận 10/12 Bộ, ngành cam kết hoàn thành giải ngân gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ.

Về đề nghị giảm kế hoạch vốn của các Bộ, ngành, tính đến hết tháng 9/2020, Bộ Tài chính đã nhận 560 hồ sơ rút vốn, trong đó đã giải quyết 554 hồ sơ, chiếm 98,8%. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp và chuẩn bị báo cáo các cấp có thẩm quyền số vốn đề nghị giảm của các Bộ, ngành là 4.717,5 tỷ đồng.

image

Ông Hoàng Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại báo cáo tại Hội nghị

Đánh giá về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài, ông Hoàng Hải cho rằng, trong thời gian vừa qua, Chính phủ và phần lớn các Bộ, ngành đều đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt thúc đẩy giải ngân.

Là một trong những Bộ có tiến độ giải ngân tăng cao nhất trong tháng 9, ông Đinh Minh Tùng, phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, tỉ lệ giải ngân của Bộ này đến ngày 30/9 đạt 39% so với kế hoạch vốn được giao, tăng 18% so với tháng 8 trước đó. Ông Đinh Minh Tùng cho rằng, đạt được kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT đã kiện toàn Tổ công tác thúc đẩy giải ngân, đồng thời phân công Lãnh đạo Bộ trực tiếp phụ trách một số nhóm dự án nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số dự án nên tỉ lệ giải ngân đã tăng cao hơn so với tháng trước.

image

image

Đại diện các Bộ, ngành phát biểu tham luận tại Hội nghị

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cũng cho biết trong thời gian vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo quyết liệt Ban quản lý dự án phối hợp với địa phương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh chóng triển khai công tác đấu thầu tại một số dự án… để tăng tốc giải ngân những tháng cuối năm. Các Bộ, ngành khác như Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng… cũng cho biết, giải pháp của các Bộ này là thường xuyên tổ chức cuộc họp với các chủ đầu tư để chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án. Bên cạnh đó thành lập các Tổ công tác gồm các Vụ/Cục triển khai công tác bàn giao chủ đầu tư, kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư để chủ động rà soát, phối hợp chặt chẽ giữa các bên trong quá trình triển khai…

Về phía Kho bạc Nhà nước, ông Nguyễn Việt Hồng, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước khẳng định, việc kiểm tra thời gian, xác định vốn ngoài nước của Kho bạc Nhà nước tối đa không quá 3 ngày làm việc. Tuy nhiên, đây chỉ là một khâu trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài bởi sau khi Kho bạc Nhà nước xác nhận vốn còn có các bước như kí đơn rút vốn, nhà tài trợ chuyển tiền về để giải ngân… Các bước này có khi kéo dài cả tháng. Vì vậy, việc chậm giải ngân không phải do Kho bạc Nhà nước kiểm soát, xác nhận chậm mà do nhiều nguyên nhân khác. Ông Hồng cũng cho biết, đến nay, Kho bạc Nhà nước chưa nhận được phản hồi ý kiến của chủ đầu tư về việc giải quyết chậm thủ tục kiểm tra xác nhận vốn thanh toán.

Cần tập trung xử lý dứt điểm, tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn ODA

Mặc dù kết quả giải ngân tháng 9 đã tăng so với tháng 8 nhưng Bộ Tài chính cho rằng kết quả giải ngân của các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi vẫn thấp là do chưa có khối lượng cho giải ngân. Vấn đề này xuất phát từ các nguyên nhân như dự án chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư trong nước như chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, phê duyệt các hợp đồng; việc đấu thầu của nhiều dự án được triển khai chậm, một số dự án có khiếu kiện trong quá trình đấu thầu.

Ngoài ra, quá trình chuẩn bị dự án kéo dài, chuẩn bị đầu tư không kỹ, và các yếu tố khó khăn khách quan khác dẫn đến phải thay đổi thiết kế, điều chỉnh dự án trong quá trình thực hiện, gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân. Trong khi đó, các thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay được thực hiện chậm trễ, chưa có cơ sở pháp lý để giải ngân…

Tại Hội nghị, ông Cao Mạnh Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bày tỏ băn khoăn về kết quả giải ngân từ nay tới cuối năm. Ông Cường cho rằng, dù các Bộ, ngành đều cam kết sẽ hoàn thành giải ngân nhưng thực tế số liệu giải ngân trong thời gian vừa qua chưa cải thiện nhiều. Tỉ lệ giải ngân có tăng nhưng có một phần lí do là kế hoạch vốn đã được cắt giảm chứ chưa phải là vì đã có những chuyển biến thật sự.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài, Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị các Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các vấn để còn vướng mắc hay chưa rõ về chính sách, các Bộ, ngành cần sớm có ý kiến với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phù hợp.

image

Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị các Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Đối với số kế hoạch vốn 2020 đã đề nghị cắt giảm, điều chuyển cho các bộ, địa phương khác, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành xác định rõ là, cắt giảm của dự án nào, dự án nào hoàn toàn không giải ngân được trong năm 2020. Dự án nào chỉ giải ngân được một phần để bổ sung kể hoạch vốn bố trí cho dự án đó ngay vào kế hoạch vốn đầu tư 2021. Từ đó, đảm bảo dự án có đủ kinh phí để thực hiện theo thời gian và tiến độ đã cam kết với nhà tài trợ tại các hiệp định vay nước ngoài.

Trường hợp kế hoạch vốn 2020 đề nghị cắt giảm của các Bộ chưa phân bổ chi tiết cho các dự án do lập kế hoạch chưa sát, các bộ, ngành rút kinh nghiệm khi xây dựng kế hoạch năm 2021 và các năm sau.

Trong phạm vi thẩm quyền của mình, các Bộ, ngành tập trung xử lý dứt điểm; phối hợp với nhà tài trợ, các cơ quan, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư lớn, các dự án sắp hết hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay.

Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại khẳng định: “Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp tục coi giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA, vay ưu đãi là nhiệm vụ trọng tâm trong năm và phối hợp với cơ quan chủ quản trong các vấn đề liên quan đến đàm phán ký kết. Đồng thời, hoàn thành thủ tục hiệu lực của Hiệp định vay, điều chỉnh Hiệp định vay (nếu có); ký hợp đồng cho vay lại, rà soát đẩy nhanh tiến độ các việc liên quan đến giải ngân và trao đổi với nhà tài trợ các vấn đề phát sinh trong quá trình giải ngân”.

T.N​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính