Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 14/2023/NĐ-CP ngày 20/4/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2023.

Theo Nghị định, Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài chính - ngân sách (bao gồm: Ngân sách nhà nước; ngân quỹ nhà nước; nợ công; thuế; phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; dự trữ nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; tài sản công theo quy định của pháp luật); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc bộ theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức mới của Bộ Tài chính có 28 đơn vị

Về nhiệm vụ và quyền hạn, Nghị định quy định Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Trong đó, trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của bộ đã được phê duyệt và các dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn, hàng năm về các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Cụ thể về quản lý ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính có nhiệm vụ tổng hợp, lập, trình Chính phủ kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm quốc gia; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương trong trường hợp cần thiết; chủ trì xem xét, đề xuất tổng mức kinh phí chi thường xuyên đối với các chương trình mục tiêu quốc gia trong quá trình xây dựng, trình cấp thẩm quyền; cân đối, bố trí kinh phí chi thường xuyên hằng năm để thực hiện sau khi Chương trình được phê duyệt; chủ trì xem xét, tổng hợp dự toán các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển ngoài phạm vi của Luật Đầu tư công theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản pháp luật có liên quan và phê duyệt của cấp thẩm quyền; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của quốc gia theo quy định của pháp luật;

Trong quản lý thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính có nhiệm vụ thống nhất quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác thu thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật đối với cơ quan thuế, hải quan và cơ quan khác được nhà nước giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí hoặc thu khác của ngân sách nhà nước.

Cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính gồm: 1- Vụ Ngân sách nhà nước; 2- Vụ Đầu tư; 3- Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt (Vụ I); 4- Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp; 5- Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính; 6- Vụ Hợp tác quốc tế; 7- Vụ Pháp chế; 8- Vụ Tổ chức cán bộ; 9- Thanh tra; 10- Văn phòng; 11- Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí; 12- Cục Quản lý công sản; 13- Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại; 14- Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm; 15- Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán; 16- Cục Quản lý giá; 17- Cục Tin học và Thống kê tài chính; 18- Cục Tài chính doanh nghiệp; 19- Cục Kế hoạch - Tài chính; 20- Tổng cục Thuế; 21- Tổng cục Hải quan; 22- Tổng cục Dự trữ Nhà nước; 23- Kho bạc Nhà nước; 24- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; 25- Viện Chiến lược và chính sách tài chính; 26- Thời báo Tài chính Việt Nam; 27- Tạp chí Tài chính; 28- Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính.

Các tổ chức quy định từ (1) đến (24) nêu trên là các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định từ (25) đến (28) là các tổ chức sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước thuộc bộ.

Vụ Ngân sách nhà nước có 4 phòng, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp có 4 phòng, Vụ Đầu tư có 4 phòng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính có 4 phòng, Vụ Pháp chế có 5 phòng, Vụ Tổ chức cán bộ có 7 phòng, Vụ Hợp tác quốc tế có 4 phòng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và danh sách các đơn vị sự nghiệp khác thuộc bộ.

Về điều khoản chuyển tiếp, Vụ Chính sách thuế tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định pháp luật hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.

Thu Trang​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính