Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thông qua một số Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Quốc hội thông qua một số Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025

Ngày 28/7, với đa số đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua một số Nghị quyết quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó đáng chú ý là Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025…

Phấn đấu giảm tỉ lệ bội chi

Tại Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 quy định chi tiết về các mục tiêu như: Thu chi ngân sách giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu giảm tỉ lệ bội chi, khống chế trần nợ công…

C:\Users\Ta Thanh Hang\OneDrive\Documents\Nam 2021\Thang 7\NGhị quyết về PT KTXH\Quốc hội.jpg

Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua một số Nghị quyết về phát triển KT-XH giai đoạn 2021 – 2025

Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó, từ thuế, phí khoảng 13-14% GDP; tỉ trọng thu nội địa bình quân khoảng 85-86% tổng thu ngân sách nhà nước.

Tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó tỉ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28%, tỉ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỉ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%.

Tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước khoảng 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó: Chi từ nguồn vốn ngoài nước khoảng 300.000 tỷ đồng, chi từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khoảng 248.000 tỷ đồng.

Tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP, trong đó: Bội chi ngân sách trung ương bình quân 3,4% GDP, bội chi ngân sách địa phương bình quân 0,3% GDP; trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm xuống dưới 3,7% GDP.

Tổng mức vay trong giai đoạn 2021-2025 là 3,068 triệu tỷ đồng, trong đó mức vay của ngân sách trung ương khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng; tổng mức vay của ngân sách địa phương khoảng 148.000 tỷ đồng, mức vay của từng địa phương trong phạm vi giới hạn nợ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 35,3 nghìn tỷ đồng.

Hạn mức bảo lãnh Chính phủ và hạn mức vay về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh Chính phủ năm sau không vượt quá tốc độ tăng GDP danh nghĩa của năm trước, riêng hạn mức bảo lãnh cho hai ngân hàng chính sách tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm. Hạn mức rút vốn ròng các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cả giai đoạn không quá 76,5 nghìn tỷ đồng và hạn mức rút vốn các khoản Chính phủ vay về cho vay lại không quá 222.000 tỷ đồng.

Bảo đảm an toàn nợ công, với các mục tiêu: Trần nợ công hàng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP. Trần nợ Chính phủ hàng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP. Trần nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) không quá 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Tập trung đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm

Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 xác định: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 32-34% GDP, tỉ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỉ trọng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước khoảng 28%, phấn đấu khoảng 29% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trong đầu tư công. Phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao; số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.

Về định hướng, Nghị quyết nêu rõ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, sớm hoàn thành đưa các công trình đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả thực tế. Tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, giảm tối đa số lượng các dự án khởi công mới.

Đầu tư công phải bám sát và phục vụ cho việc thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt, huy động các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước; đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược.

Bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực, trong đó ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các vùng động lực, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách trung ương 1.500.000 tỷ đồng. Vốn cân đối ngân sách địa phương 1.370.000 tỷ đồng.

Dự phòng 10% kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương theo từng nguồn vốn để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn.

Dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 do Hội đồng nhân dân các cấp quyết định theo thẩm quyền được quy định tại khoản 6 Điều 51 của Luật Đầu tư công.

Nghị quyết giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án quan trọng quốc gia theo quy định pháp luật.

Đối với các dự án dự kiến đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách trung ương, Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 52 của Luật Đầu tư công đến thời điểm Quốc hội thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đối với các dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư theo quy định, các khoản vốn chưa phân bổ, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho từng dự án theo đúng quy định pháp luật.

Đối với các dự án đường ven biển, Chính phủ rà soát, tính toán kỹ việc bố trí vốn đầu tư, có giải pháp phù hợp để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả đầu tư, tránh dàn trải, dở dang.

Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.

Chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương rà soát, chịu trách nhiệm về số liệu và bảo đảm bố trí đủ vốn thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản, vốn ứng trước theo quy định.

Phấn đấu 50% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới

Theo mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chương trình đặt ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như: Phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Phạm vi thực hiện Chương trình trên địa bàn nông thôn của cả nước, bao gồm: các thôn, các xã, các huyện, các thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh có xã của 63 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2021 đến hết năm 2025.

Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí thực hiện cho Chương trình tối thiểu là 196.332 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách trung ương: 39.632 tỷ đồng, bao gồm: vốn đầu tư phát triển: 30.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 9.632 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương: 156.700 tỷ đồng.

Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình được thực hiện trên nguyên tắc phân bổ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên nguồn lực cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu, xã dưới 15 tiêu chí; hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp để nâng cao chất lượng các tiêu chí và đảm bảo bền vững.

Quốc hội giao Chính phủ ban hành quy định nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn của ba Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt; ban hành quy định về quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.

Hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Chương trình tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội.

Kim Chung (tổng hợp)​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính