Tiếp tục chuỗi hoạt động tham vấn chính sách, chiều 15/8, tại Hà Nội, Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về “Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.
Ông Bùi Tuấn Minh, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp phát biểu khai mạc tọa đàm
Lấy ý kiến đa dạng các đối tượng để hoàn thiện Luật
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Bùi Tuấn Minh, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Thành viên thường trực Ban soạn thảo, Tổ trưởng tổ biên tập dự thảo Luật cho biết, song song với quá trình lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp của Luật bằng hình thức văn bản, Bộ Tài chính cũng tổ chức 9 cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến trực tiếp. Tại mỗi cuộc hội thảo, tọa đàm, Bộ Tài chính phân chia, lấy ý kiến dành cho đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước theo từng lĩnh vực, do các doanh nghiệp nhà nước có rất nhiều lĩnh vực, hình thái.
“Buổi tọa đàm hôm nay nhằm mục tiêu lấy ý kiến đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước chuyên sâu về lĩnh vực tài chính gồm: SCIC, Tập đoàn Bảo Việt, các công ty DATC, Vietlott, công ty chứng khoán... có rất nhiều đặc thù. Đề nghị các đại biểu trao đổi, góp ý thẳng thắn, đi trực diện vào các nội dung tại dự thảo Luật” - ông Bùi Tuấn Minh đề nghị.
Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC kiến nghị, Ban soạn thảo trong quá trình thiết kế Luật lưu ý việc tiếp tục tách bạch chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước tại doanh nghiệp sâu hơn, toàn diện, triệt để hơn. Bên cạnh đó, việc phân định giữa doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước cần rõ hơn. Về phương thức quản lý đối với đối tượng doanh nghiệp cấp 1, cấp 2 nên hướng dẫn, phân cấp rõ ràng.
“Đối với doanh nghiệp cấp 2 nghiên cứu phân cấp những nội dung nào, như phê duyệt chiến lược, đề án tái cơ cấu, giao nhiệm vụ hàng năm có thể xin thêm ý kiến chủ sở hữu. Còn đối với các nội dung về chủ trương đầu tư, tăng giảm vốn hay quản lý các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp cấp 2 có thể giao, phân cấp cho người đại diện và hội đồng thành viên, hội đồng quản trị của doanh nghiệp này” – ông Nguyễn Chí Thành cho hay.
Ông Thành cho biết thêm, hiện nay ở khu vực ASEAN hay Trung Quốc đều có mô hình về quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ban soạn thảo cân nhắc tổ chức một buổi lắng nghe ý kiến các chuyên gia, cán bộ xây dựng chính sách các nước để có thể học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt với mô hình ở Trung Quốc có khuôn khổ, thể chế, điều khoản, điều kiện tương tự như Việt Nam có thể học hỏi áp dụng, qua đó giúp các doanh nghiệp nhà nước phát triển mạnh hơn, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.
“SCIC cũng kiến nghị có các chính sách đặc thù cho Tổng công ty, như liên quan đến vấn đề tài chính, cơ chế, con người. SCIC có nguồn lực thì được quyền đầu tư, mua thêm vốn tại các doanh nghiệp khác, các ngân hàng như BIDV, Vietcombank... Hoặc cân nhắc thiết kế 1 chương riêng trong bộ luật này về vai trò của SCIC với tư cách của một nhà đầu tư” – Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC kiến nghị.
Cân nhắc phạm vi điều chỉnh
Một trong những nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm góp ý tại tọa đàm là về xác định đối tượng áp dụng Luật. Hiện nay theo thiết kế tại dự thảo, đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, bao gồm: doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp” nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, nhà nước thực sự đóng vai trò là chủ sở hữu vốn, nhà đầu tư vốn, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, đảm bảo việc phân công rõ, phân cấp mạnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không làm mở rộng thêm đối tượng quản lý so với hiện nay.
Quang cảnh tọa đàm
Góp ý kiến về nội dung này, ông Tạ Hữu Doanh, Trưởng ban Tổng hợp – Pháp chế, Tập đoàn Dệt may cho biết, dự thảo lần này so với Luật 69/2014/QH13 trước đây đã tách bạch các nhóm doanh nghiệp, doanh nghiệp F1 do Nhà nước trực tiếp nắm giữ vốn, doanh nghiệp F2 do doanh nghiệp F1 nắm giữ vốn giúp cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp F2 nên xác định rõ ràng, cụ thể hơn. Tập đoàn ủng hộ quan điểm về đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác (F2) là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ. Bởi doanh nghiệp F1 đầu tư tới doanh nghiệp F2, nếu sở hữu ít cổ phần sẽ không được quyền chi phối, quyết định doanh nghiệp F2, các quyết định chỉ đạo từ F1 xuống F2 rất khó thực hiện.
Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hoàn, Trưởng ban Pháp chế, Công ty CP viễn thông FPT cho rằng, Luật nên cân nhắc, xem xét lại phạm vi điều chỉnh của Luật. Hiện công ty đang hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán nên việc quy định doanh nghiệp F2 thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật gây khó trong việc chờ xin ý kiến từ F1, do doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông truyền hình, thuộc lĩnh vực công nghệ do đó đòi hỏi quyết định đầu tư cần nhanh và chính xác.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam cũng đồng ý với phương án “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ” để phù hợp với điều 88 của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Theo dự thảo phạm vi doanh nghiệp quy định đến tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp sẽ bao gồm các doanh nghiệp mà tỉ lệ vốn góp của nhà nước hoặc tỷ lệ vốn của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp tại doanh nghiệp khác rất nhỏ. Vì vậy trong trường hợp thông qua người đại diện không có khả năng chi phối, quyết định vấn đề quan trọng của công ty dẫn đến hiệu quả quản lý theo phạm vi không đạt được.
Ông Tạ Hữu Doanh, Trưởng ban Tổng hợp – Pháp chế, Tập đoàn Dệt may góp ý kiến tại tọa đàm
Liên quan đến vấn đề phân phối lợi nhuận sau thuế, dự thảo Luật đang đưa ra 3 phương án. Với vai trò là công ty cổ phần, để hài hòa lợi ích giữa các cổ đông, đại diện Tập đoàn dệt may kiến nghị nên chọn phương án trích tối đa không quá 50% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp. Phần lợi nhuận còn lại để trích quỹ cho người lao động, quỹ khen thưởng phúc lợi, thưởng cho ban quản lý điều hành khi vượt định mức kế hoạch, chi trả cổ tức cho cổ đông... như vậy sẽ hài hòa quyền lợi giữa nhà nước, người lao động.
Thông tin làm rõ thêm các nội dung tại dự thảo Luật, ông Bùi Tuấn Minh cho biết, dự thảo Luật đi theo hướng chỉ quản lý theo dòng vốn chứ không quản lý pháp nhân doanh nghiệp. Theo đó Nhà nước, Chính phủ chỉ quản lý đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác.
Bên cạnh đó liên quan đến Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp cần khẳng định rõ đây không phải là của doanh nghiệp. Quỹ được hình thành từ lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận này là của chủ sở hữu. Quỹ đầu tư để tại doanh nghiệp thuộc quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu. Bên cạnh đó về thẩm quyền đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quyết định các dự án đầu tư của doanh nghiệp, các cấp như Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư còn hoạt động quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư giao cho doanh nghiệp, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp.
Thu Trang