Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Tiếp tục chủ động và linh hoạt trong quản lý, điều hành giá cả năm 2023

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH  
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Tiếp tục chủ động và linh hoạt trong quản lý, điều hành giá cả năm 2023

Phát biểu tại cuộc họp tổng kết năm 2022, định hướng năm 2023 của Ban Chỉ đạo điều hành giá vào sáng 28/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt đảm bảo kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra trong năm 2023.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái điều hành cuộc họp

Vượt qua thách thức trong năm 2022

Mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, đại diện cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trình bày báo cáo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá năm 2022 và định hướng năm 2023 cho thấy, năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động rất nhanh, phức tạp, xuất hiện nhiều yếu tố mới, đã tác động đa chiều đến nền kinh tế nước ta nói chung và đặt ra rất nhiều thách thức cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2022.

Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô như bảo đảm nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của sản xuất.

Công tác quản lý điều hành giá được thực hiện thận trọng, cơ bản giữ ổn định giá các mặt hàng nhà nước định giá, điều hành giá xăng dầu sát với diễn biến giá thế giới nhưng với mức tăng thấp hơn; ban hành kịp thời các chính sách về thuế giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá, từ đó giúp hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Đến thời điểm này, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2022, tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân năm 2022 ước tăng 3, 1-3,2% so với năm 2021, trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội đề ra.

Trong điều hành năm 2022, một trong những thành công đó là sự phục hồi của kinh tế thế giới sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhu cầu hàng hóa tăng nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Giá cả một số mặt hàng chiến lược, nguyên nhân vật liệu biến động tăng cao vào nửa đầu năm, tình hình lạm phát tăng cao ở nhiều nước trên thế giới đã tác động mạnh đến giá cả trong nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, năm 2022 CPI đạt mục tiêu Quốc hội đề ra

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng liên tục từ đầu năm và đạt đỉnh vào tháng 6, sau đó giảm trong 4 tháng tiếp theo và nhích tăng trở lại trong tháng 11 và giảm mạnh trở lại trong tháng 12.

Đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm trong bối cảnh nhiều quốc gia có sự khan hiếm nguồn hàng thì nước ta vẫn chủ động sản xuất được, nguồn cung dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân nên giá cả tương đối ổn định, chỉ tăng nhẹ vào một số thời điểm lễ tết.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, năm 2022 công tác quản lý, điều hành giá gặp rất nhiều khó khăn, khó nhất là triển khai nhất quán theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và theo quy định của pháp luật. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, nhưng năm 2022, đã hoàn thành được nhiệm vụ, dưới 4%, các mặt hàng thiết yếu vẫn giữ được giá hợp lý. Đối với giá xăng dầu, theo ông Đỗ Thắng Hải, năm 2022, xăng dầu điều hành rất khó khăn, rất dị biệt, nhưng kết quả rất tốt.

“Thành tích này không chỉ là của các bộ, ngành, mà điều quan trọng là đời sống của người dân được ổn định”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, trong năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo sát tình hình, cơ bản kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn. Đó là thành công lớn, là nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, trong đó, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định giá xăng dầu sẽ tiếp tục

tăng trong năm 2023

Thách thức trong năm 2023

Năm 2023, Quốc hội “quyết” CPI bình quân năm 2023 khoảng 4,5%. Theo Bộ Tài chính, để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2023 cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý khi điều kiện cho phép và đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trình Quốc hội thông qua Luật Giá sửa đổi. Dự báo trong năm 2023 giá xăng dầu sẽ tiếp tục biến động phức tạp theo chiều hướng tăng.

Trước mắt, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, điều hành giá các mặt hàng nhà nước quản lý thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2023.

Nhiều yếu tố sẽ là áp lực lên mặt bằng giá năm 2023 được Nhóm giúp việc dự báo, như: Sau 3 năm chưa điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá theo thị trường tiếp tục là vấn đề cần xem xét thực hiện trong năm 2023 đối với một số dịch vụ công (dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục…). Sau thời điểm tăng lương cơ bản (từ tháng 7/2023) dự báo giá cả một số mặt hàng lương thực, thực phẩm có thể tăng. Đặc biệt lạm phát bình quân sẽ tăng ngay từ quý I/2023 do lạm phát được tích lũy theo xu hướng tăng trong năm 2023…

Toàn cảnh Hội nghị

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố dự báo sẽ hỗ trợ giúp ổn định mặt bằng giá, như: nguồn cung lương thực, thực phẩm vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu nên dự báo giá cả ổn định; chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dự kiến có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2023; sự kiên định trong kiểm soát lạm phát của Quốc hội và Chính phủ sẽ tiếp tục giúp neo giữ kỳ vọng lạm phát và hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023.

Báo cáo của Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo cũng đưa ra ba kịch bản lạm phát năm 2023. Theo kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng hoảng 4,2% so với năm 2022: trong trường hợp giá xăng dầu giảm 5%, giá gas tăng 2%, giá lương thực thực phẩm tăng 3%, giá điện tăng khoảng 5%, giá dịch vụ giáo dục tăng 15%, giá dịch vụ y tế tăng 4% ...

Ở kịch bản 2, CPI bình quân tăng khoảng 4,55% so với năm 2022 trong trường hợp giá xăng dầu giữ ổn định. Giá gas tăng 3%, giá lương thực thực phẩm tăng 5%, giá điện sinh hoạt tăng 7%, giá dịch vụ giáo dục tăng 18%, giá dịch vụ y tế tăng 6%...

Ở kịch bản thứ 3, giả định giá xăng dầu tăng 3%, giá gas tăng 4%, giá lương thực thực phẩm tăng 5%, giá điện sinh hoạt tăng 8%, giá dịch vụ giáo dục tăng 20%, giá dịch vụ y tế tăng 6%..., thì dự báo CPI bình quân tăng khoảng 4,98% so với năm 2022.

Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI năm 2023 tăng khoảng 4,2-4,98%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 4,4-4,8%, trong đó, có giả định giá xăng dầu ổn định tại 3 kịch bản. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng khoảng 4,3% (cộng trừ khoảng 0,5%).

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, dự báo trong năm 2023 giá xăng dầu sẽ tiếp tục biến động phức tạp theo chiều hướng tăng. Thời điểm Tết Dương lịch và Tết Âm lịch đang đến gần, Bộ Công thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa dịp Lễ tết, đẩy mạnh các hoạt động bình ổn thị trường, kết nối các địa phương tăng cường bình ổn giá, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, về cơ bản trong năm 2023 đảm bảo lượng hàng hóa về lương thực, thực phẩm. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, có giải pháp giảm phần nhập thịt để đảm bảo nguồn cung trong nước; rau quả thủy sản cần tiếp tục tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, giữ ổn định các mặt hàng này.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết sẽ chủ động

tăng dự trữ nguyên vật liệu để chủ động về giá

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ nhận định, năm 2023 công tác điều hành giá cần thích ứng và linh hoạt, tùy tình hình mà điều hành theo sát thực tiễn. Theo ông Lê Đình Thọ, đầu năm 2023, ngành sẽ triển khai một loạt các dự án cao tốc phía đông, nhưng dự kiến giá xăng dầu tăng, ảnh hưởng tới lượng giải ngân. Do đó, dự kiến sẽ chủ động tăng dự trữ nguyên vật liệu để chủ động về giá, tránh giá cả tăng cao, ảnh hưởng tới tiến độ.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng thẳng thắn đề nghị các bộ, ngành cần rút kinh nghiệm trong điều hành, cần phải “nhanh nhạy, kịp thời, thống nhất trong chỉ đạo xử lý” trước những vấn đề mới phát sinh, tránh để ảnh hưởng tới cân đối cung- cầu và giá cả thị trường.

Đối với năm 2023, Quốc hội quyết định lạm phát khoảng 4,5%, cao hơn so với những năm trước, do đó áp lực trong chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo điều hành giá là rất lớn, cần hết sức nỗ lực để đạt mục tiêu đề ra.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, trước mắt, đặc biệt lưu tâm đến kiểm soát giá cả thị trường dịp cuối năm, dịp lễ tết sắp tới, đảm bảo nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh.

Đối với giá các mặt hàng thiết yếu, giá lương thực, thực phẩm, giá vận tải cần được các bộ, ngành kiểm soát chặt, tránh tăng giá ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Trong năm 2023, Phó Thủ tướng công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt đảm bảo kiểm soát lạm phát. Các Bộ, ngành, địa phương bám sát thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá về các giải pháp cụ thể đối với công tác điều hành giá tại các cuộc họp định kỳ Ban Chỉ đạo điều hành giá./.

Mộc Lan


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính