Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa chính thức công bố Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.

anh.jpg

Phiên họp thứ 2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XV. Ảnh: QH

Trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành, căn cứ Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, ngày 01/9/2021, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.

Theo đó, Nghị quyết gồm 7 điều quy định trong 3 chương tổng thể, nêu rõ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022, như: Nguyên tắc, tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước; Tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho các Bộ, cơ quan trung ương; Tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Nghị quyết nêu rõ, việc xây dựng hệ thống định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN phải góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; ưu tiên bố trí kinh phí cho những lĩnh vực quan trọng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt khó khăn, khó khăn, biên giới hải đảo.

Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN phải phù hợp với khả năng cân đối NSNN năm 2022, kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm giai đoạn 2022-2024, kế hoạch tài chính quốc gia 05 năm giai đoạn 2021-2025. Ưu tiên nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành trung ương và Nghị quyết của Quốc hội. Thúc đẩy từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, phấn đấu giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, góp phần cơ cấu lại NSNN, sắp xếp bộ máy quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, tinh giản biên chế, thực hiện cải cách tiền lương và BHXH theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cải cách hành chính nâng cao chất lượng dịch vụ công, sử dụng hiệu quả NSNN; góp phần đổi mới quản lý tài chính đối với khu vực sự nghiệp công để giảm mức hỗ trợ trực tiếp cho đơn vị sự nghiệp công lập, tăng nguồn bảo đảm chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận các dịch vụ sự nghiệp công, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh tính chủ động, gắn với chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách chi NSNN. Tiêu chí phân bổ ngân sách phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, kiểm tra và giám sát; bảo đảm công bằng, công khai và minh bạch; từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế. Đưa tối đa các khoản chi thường xuyên vào định mức chi quản lý hành chính của các Bộ, cơ quan trung ương với yêu cầu triệt để tiết kiệm; giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, các đoàn đi công tác nước ngoài; ưu tiên mức phân bổ kinh phí cho khối các cơ quan tư pháp; Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ.

Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tuân thủ thêm một số nguyên tắc phân vùng dân số: vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn và vùng đô thị. Định mức phân bổ của ngân sách địa phương được xây dựng cho các lĩnh vực chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, bảo đảm chi lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ và mức tiền lương cơ sở 1 triệu 490 nghìn đồng/tháng.

Về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nghị quyết quy định cụ thể đối với dự toán chi quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể căn cứ số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao trên cơ sở vị trí việc làm và cơ cấu công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc của từng Bộ, cơ quan Trung ương.

Đối với các lĩnh vực sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Ngân sách nhà nước không hỗ trợ chi thường xuyên. Đối với phân bổ dự toán chi quốc phòng, an ninh thì căn cứ nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ đối với con người và nhiệm vụ đặc thù để ưu tiên bố trí chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm.

Về tổ chức thực hiện, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị, giao Chính phủ tổ chức và chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương triển khai thực hiện; Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết này theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong trường hợp bổ sung hoặc sửa đổi các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 ngoài các quy định tại Nghị quyết này; Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết định mức phân bổ đối với từng tiêu chí, các mốc thời gian, cơ quan cung cấp số liệu làm căn cứ xác định dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách mới, bắt đầu từ năm ngân sách 2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Tuệ Anh​


Công thông tin điên tử Bộ Tài chính