Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngành Tài chính đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Ngành Tài chính đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ

Sáng nay (16/7), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến “Sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021” của ngành Tài chính.

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Tài chính có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, các đồng chí Thứ trưởng cùng Lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính. Hội nghị cũng có sự tham dự của lãnh đạo một số cơ quan Đảng, Quốc hội; Đại diện một số Bộ, Ban, ngành Trung ương; Lãnh đạo chủ chốt các đơn vị Tài chính trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố bao gồm: Sở Tài chính; Cục Hải quan; Cục Thuế, KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục DTNN khu vực...

image

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Hữu Thọ

Thu NSNN tăng 16,3% dự toán

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2021 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm toàn ngành Tài chính đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất các giải pháp chính sách tài khoá, góp phần tích cực vào những kết quả đạt được trong việc thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Nhờ đà phục hồi khả quan của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020 tiếp tục kéo dài sang các tháng đầu năm 2021, các chính sách tài khóa, tiền tệ đã thực hiện trong phòng chống dịch và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân đã phát huy hiệu quả góp phần quan trọng vào tăng trưởng thu NSNN. Thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó: thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7%, giảm 12,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa (đạt trên 50%), trong đó 48 địa phương đạt trên 55% dự toán; có 54/63 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả thu NSNN 6 tháng được đánh giá là tích cực. Các khoản thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ.

Chi NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 28,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 51,6% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Riêng về chi đầu tư phát triển, đến hết tháng 6, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương mới phân bổ được 88,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao; giải ngân vốn 6 tháng đầu năm mới đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt xấp xỉ 33,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước (6 tháng mới đạt xấp xỉ 7,4% kế hoạch), chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nguyên nhân chủ yếu là do các Bộ, ngành và địa phương, chủ dự án chậm trễ, không có khối lượng thực hiện để thanh toán.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, trong tháng 6/2021, Bộ Tài chính chủ động tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để rà soát, tháo gỡ khó khăn và đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA năm 2021. Đồng thời chỉ đạo hệ thống Kho bạc nhà nước rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục giải ngân, tạo thuận lợi khuyến khích các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nghiệm thu khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành, gửi hồ sơ thanh toán đến Kho bạc nhà nước.

Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 6 tháng đầu năm có thặng dư (thu lớn hơn chi), trong đó, cân đối ngân sách trung ương bội chi khoảng 63 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương thặng dư xấp xỉ 150 nghìn tỷ đồng.

Ưu tiên nguồn lực cho phòng chống dịch bệnh

Một nội dung đáng chú ý được báo cáo tại Hội nghị đó là trong bối cảnh ”chống dịch như chống giặc”, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo đời sống cho người dân. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, NSNN đã chi 4,65 nghìn tỷ đồng; tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng, trong đó 8,4 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19; 13,1 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

image

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hữu Thọ

Bộ Tài chính cũng đã chủ động đề xuất báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021; ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí trong năm 2021. Đồng thời chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan triển khai kịp thời các chính sách như cho phép tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp theo Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021 theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí 27,5 nghìn tỷ đồng, trong đó số thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng; thực hiện miễn giảm khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng các khoản thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng.

Cùng với các kết quả trong công tác quản lý điều hành thu, chi NSNN, Hội nghị cũng điểm lại các kết quả trong công tác quản lý nợ Chính phủ, công tác quản lý thị trường tài chính, công tác điều hành giá cả, cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp… của Bộ Tài chính trong 6 tháng đầu năm 2021.

Thị trường tài chính, nợ công được quản lý chặt chẽ, linh hoạt

Theo đó, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành, tăng cường quản lý nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh; giám sát chặt chẽ nợ chính quyền địa phương, đảm bảo các chỉ số nợ năm 2021 trong phạm vi Quốc hội quyết định. Đồng thời, chủ động điều hành phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp với tiến độ thu, chi NSNN, trên cơ sở sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước, tiếp tục cơ cấu lại nợ công. Trong 6 tháng đầu năm, đã phát hành 141,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để trả nợ gốc đến hạn của ngân sách trung ương, kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ 12,19 năm, lãi suất bình quân 2,26%/năm, thực hiện trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ theo cam kết.

Những kết quả tích cực từ phát triển kinh tế -xã hội, tài chính – NSNN đã góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên toàn cầu là Moody’s, S&P và Fitch giữ hệ số tín nhiệm quốc gia ở mức BB và nâng triển vọng lên mức tích cực. Đây là những đánh giá hết sức tích cực và có tác động mạnh mẽ đến tâm lý, kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với sự ổn định và tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Trong công tác quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, báo cáo tại Hội nghị cho biết, 6 tháng đầu năm, thông qua thị trường chứng khoán đã huy động vốn được 176.745 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó,Huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa ước đạt 26.857 tỷ đồng, tăng 197%; Huy động vốn qua phát hành TPDN ra công chúng ước đạt 8.394 tỷ đồng, giảm 23%; Huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tăng 63% với giá trị đạt 141.493 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sự cố nghẽn lệnh tại Sở GDCK Tp.Hồ Chí Minh diễn ra trong thời gian qua kéo dài từ nhiều tháng qua, đặc biệt trong tháng 6/2021 đã gây bức xúc cho các nhà đầu tư trên thị trường. Bộ Tài chính đã quyết liệt chỉ đạo và tìm giải pháp khắc phục triệt để tình trạng trên. Đến đầu tháng 7/2021, hệ thống mới đi vào vận hành đã khắc phục cơ bản tình trạng nghẽn lệnh.

Thị trường bảo hiểm duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực. Tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đạt 96,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng tài sản đạt 633,8 nghìn tỷ đồng, tăng 22,7%...

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tài chính – NSNN ở mức cao nhất

Về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Báo cáo của Hội nghị cũng đã chỉ rõ quyết tâm của tập thể Lãnh đạo Bộ, của toàn ngành Tài chính vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2021 ở mức cao nhất, tạo tiền đề thuận lợi cho việc triển khai kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 trong các năm tiếp theo.

Để đạt được mục tiêu này, từ nay tới cuối năm, ngành Tài chính sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án tài chính - NSNN theo chương trình công tác của Chính phủ và yêu cầu thực tế, đảm bảo yêu cầu về thời hạn, chất lượng, khả thi.

Hai là, tập trung quản lý, điều hành NSNN chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo nguồn lực phòng chống Covid-19.

Ba là, tập trung điều hành các thị trường tài chính để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp để hoàn thành mục tiêu “kép” - vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Lấy phát triển kinh tế để chống dịch hiệu quả.

T.N​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính