Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngành Tài chính đoàn kết, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép”

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Ngành Tài chính đoàn kết, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép”

Sáng nay (06/01), Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trong cả nước. Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Tài chính có Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính, đại diện lãnh đạo các Tổng cục, các đơn vị trong ngành Tài chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết ngành Tài chính

Chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả ứng phó với dịch Covid-19

Nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 được triển khai trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức có phần nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khoá, quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ góp phần tích cực vào những kết quả đạt được trong việc thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép”: vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Theo đó, trong tổ chức thực hiện thu NSNN, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện, quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020 và một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng về tài khóa, tiền tệ đã tạo thêm nguồn thu cho NSNN. Qua đó, thu NSNN cũng đạt mức cao hơn so với dự toán với tổng số thu NSNN năm 2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% (219,9 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020; trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất; thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất – kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 18,6%GDP ước thực hiện (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 15,5%GDP). Theo phân cấp quản lý, thu ngân sách trung ương (NSTW) ước đạt 106,7% dự toán; thu ngân sách địa phương (NSĐP) ước đạt 128,2% dự toán...

Đáng lưu ý là cùng với đóng góp quan trọng của ngành hải quan trong tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên đã vượt mốc 668 tỷ USD, xuất siêu 4 tỷ USD giúp thu ngân sách trên 379,6 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách.

Về công tác điều hành chi NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã đề xuất cấp có thẩm quyền nhiều chế độ, chính sách chi NSNN cho phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo nguồn kinh phí đẩy nhanh tiến độ mua và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhân dân, như: trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng NSTW và NSĐP; thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19, với số tiền huy động đến hết ngày 31/12/2021 đạt 8.803 tỷ đồng; trình Quốc hội cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022;...

Trong năm 2021, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 12.100 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi NSTW năm 2020 và 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng chống dịch của Bộ Y tế năm 2020 chuyển sang năm 2021 để mua vắc-xin phòng Covid-19; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung 14.620 tỷ đồng dự phòng NSTW từ nguồn cắt giảm, tiết kiện chi NSTW năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Toàn cảnh Hội nghị

Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN năm 2021 đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán. Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, NSNN đã chi 74 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; xuất cấp 141,97 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở 33 địa phương. Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm hơn năm trước, ước đến hết 31/12/2021 đạt 74,7% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (năm 2020 đạt 82,66%).

Kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững

Bộ Tài chính đã chủ động điều hành, tăng cường quản lý nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh; giám sát chặt chẽ nợ chính quyền địa phương, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ.  Đến cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 43,7% GDP, nợ Chính phủ khoảng 39,5% GDP, dư nợ vay nước ngoài quốc gia khoảng 39%GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ dưới 23% tổng thu NSNN, trong phạm vi giới hạn an toàn cho phép.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện việc tổ chức tái cơ cấu danh mục nợ, hoán đổi trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài. Kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đạt mức 13,9 năm, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là từ 9 - 11 năm. Việc trả nợ các khoản vay của Chính phủ được thực hiện chặt chẽ và đảm bảo đúng hạn, bao gồm cả nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ,  không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Với kết quả này cùng với việc chủ động phân tích, cập nhật, chia sẻ thông tin, tăng cường giải thích, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Chính phủ, tình hình kinh tế vĩ mô, ngân sách, nợ công..., Việt Nam là một trong số ít quốc gia được cả ba tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm nâng triển vọng lên mức Tích cực kể từ khi bùng phát dịch Covid-19. Điều này thể hiện niềm tin của cộng đồng nhà đầu tư đối với sự phục hồi và tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Thị trường tài chính và dịch vụ tài chính tăng trưởng ấn tượng

Năm 2021 tiếp tục là một năm nhiều dấu ấn của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, thị trường có nhiều phiên tăng, giảm điểm mạnh đan xen, tuy nhiên, xu hướng chung vẫn là phục hồi và tăng trưởng. Đến hết ngày 31/12/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.498,28 điểm, tăng 35,7% so với cuối năm 2020; quy mô vốn hóa cổ phiếu trên thị trường đạt khoảng 7.729 nghìn tỷ đồng (trên 92% GDP ước thực hiện năm 2021), tăng 46% so với cuối năm 2020; giá trị bình quân giao dịch đạt trên 26 nghìn tỷ đồng/phiên. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội.

Ngày 11/12/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam chính thức ra mắt đã đánh dấu cột mốc phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam, thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường. Đây cũng được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Tài chính năm 2021.

Để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh lên thị trường chứng khoán, cùng với những giải pháp kinh tế vĩ mô của Chính phủ,  nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp đã được ban hành. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN điều hành TTCK trên nguyên tắc duy trì hoạt động liên tục, an toàn, minh bạch và phải chuẩn bị tốt giải pháp trước mọi tình huống có thể xảy ra. Một trong những nỗ lực đó phải kể đến là việc vận hành thành công giải pháp kỹ thuật khắc phục sự cố nghẽn lệnh tại HOSE.

Ngoài ra, trước tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh bộc lộ một số rủi ro, Bộ Tài chính đã chủ động đưa ra hàng loạt cảnh báo cho các chủ thể tham gia thị trường, chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai các đoàn kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp tại một số doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan tăng cường giám sát liên thông trên thị trường tài chính.

Cũng giống như thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan với tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2021 ước đạt 214,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,59% so với năm 2020. Tổng giá trị tài sản bảo hiểm đạt 710 nghìn tỷ đồng, tăng 23,86%. Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 577,1 nghìn tỷ đồng, tăng 22,24%. Chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 49,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,68% so năm 2020. Cùng với chứng khoán, thị trường bảo hiểm đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền nền kinh tế, giải quyết việc làm, an sinh xã hội cho hàng triệu người.

Tiên phong ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính

Bộ Tài chính luôn chủ động trong cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Kết quả năm 2021, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, bãi bỏ 198 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoản, bảo hiểm, quản lý công sản; Thực hiện công khai, cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo quy định, đạt 100% kế hoạch.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ động, quyết liệt triển khai chủ trương xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số, từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý và điều hành ngân sách và tài chính.

Điển hình như, trong lĩnh vực thuế đã tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử. Tới nay đã có 16,5 triệu hồ sơ của 849 nghìn doanh nghiệp tham gia hệ thống khai thuế điện tử (đạt 99,93%). Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ. Việc triển khai hóa đơn điện tử được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của ngành thuế, thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như doanh nghiệp, người nộp thuế.

Trong lĩnh vực hải quan, đã có 235 thủ tục hành chính được cung cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (với 13 Bộ, ngành tham gia kết nối), xử lý  4,1 triệu hồ sơ của trên 50 nghìn doanh nghiệp tham gia; nhận và gửi hàng trăm nghìn C/O từ 9 nước ASEAN và thông qua Cơ chế một cửa ASEAN.

Với những nỗ lực này, Bộ Tài chính trở thành đơn vị duy nhất 8 năm liên tiếp dẫn đầu Bảng xếp chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index); 7 năm liên tiếp nằm trong nhóm 3 Bộ đứng đầu về Par Index. Năm 2021, Bộ Tài chính cũng được vinh danh vị trí dẫn đầu về mức độ chuyển đổi số năm 2020 trong 18 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công...

Vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm 2022

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tác động kéo dài. Trải qua các đợt dịch bùng phát, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó của cả nước và từng địa phương tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của doanh nghiệp và người dân đã giảm sút.

Bộ Tài chính đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022 là: Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW, phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa gắn liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, triệt để tiết kiệm chi NSNN.

Phát huy những thành tựu đạt được và khắc phục tồn tại trong thời gian qua, Bộ Tài chính quyết tâm và tin tưởng rằng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, nhất định sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo ở mức cao nhất.

*Cổng TTĐT Bộ Tài chính tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị.

T.N​


Công thông tin điên tử Bộ Tài chính