Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngành Tài chính đẩy mạnh CCHC, xây dựng Chính phủ điện tử

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Ngành Tài chính đẩy mạnh CCHC, xây dựng Chính phủ điện tử

Bộ Tài chính chủ động, quyết liệt triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC) và xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số, từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý và điều hành ngân sách và tài chính.

DSC07574.JPG

Giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến tại cơ quan Bộ Tài chính: Tuệ Anh

Sáng ngày 16/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Tài chính. Theo báo cáo tại Hội nghị, trong những năm qua, Bộ Tài chính luôn coi CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và quyết liệt triển khai công tác này một cách đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính. Công tác CCHC của Bộ Tài chính không chỉ đạt kết quả tích cực trong từng lĩnh vực riêng lẻ mà giữa các lĩnh vực đã có sự bổ trợ cho nhau, tạo hiệu ứng nâng cao hiệu quả CCHC trong tất cả lĩnh vực tài chính.

Kết quả 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện 137/182 nhiệm vụ (trong đó đã hoàn thành 35 nhiệm vụ, triển khai 50 nhiệm vụ thường xuyên đảm bảo tiến độ, đang tiếp tục thực hiện 52 nhiệm vụ theo kế hoạch); rà soát, bãi bỏ 197 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung 13 thủ tục và ban hành mới 114 thủ tục trong các lĩnh vực hải quan, chứng khoản, bảo hiểm, quản lý công sản; thực hiện công khai, cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo quy định, đạt 895/895 thủ tục, đạt 100% kế hoạch; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung 320 chế độ báo cáo định kỳ; đồng thời, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính.

̣ Tài chính tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan; vận hành, kết nối phần mềm quản lý văn bản (eDocTC) để gửi, nhận văn bản thông qua trục liên thông văn bản quốc gia với 95 cơ quan, đơn vị, đảm bảo thông suốt, đồng bộ.

Đến hết tháng 6/2021, tổng số thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 895, trong đó đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 521 thủ tục (đạt tỷ lệ 58,2%). Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã thực hiện là 440 thủ tục, đạt tỷ lệ 49,2% (tăng 12% so cùng kỳ).

Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử đối với các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Trong 6 tháng đầu năm, đã xử lý 9,7 triệu hồ sơ của 830,6 nghìn doanh nghiệp tham gia hệ thống khai thuế điện tử (đạt 99,6%); nộp vào NSNN 372 nghìn tỷ đồng và 19,2 triệu USD tiền thuế của 823 nghìn doanh nghiệp đăng ký thực hiện nộp thuế điện tử (đạt trên 98,7%) thông qua 55 ngân hàng thương mại; xác thực 150,8 nghìn hóa đơn của 255 doanh nghiệp tham gia thí điểm sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, tổng doanh thu xác thực là 14,4 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, thủ tục hải quan điện tử được thực hiện tại tất cả các đơn vị hải quan thông qua hệ thống VNACSS/VCIS; triển khai cổng thanh toán điện tử tại tất cả các Cục hải quan; triển khai hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin khai hàng hóa điện tử (e-Manifest) tại các cảng biển... Kết nối 13/14 bộ, ngành, với 226 thủ tục hành chính được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia và trên 47,7 nghìn doanh nghiệp tham gia. Trao đổi chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử mẫu D với các nước ASEAN qua Cơ chế một cửa ASEAN. Cung cấp 203/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, trong đó có 197 thủ tục mức độ 4.

Trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, 100% đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng bắt buộc và 5,5 nghìn đơn vị không thuộc đối tượng bắt buộc đăng ký tham gia dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ giao dịch chi NSNN qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt 98%.

Những nỗ lực của Bộ Tài chính trong thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan đã được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Theo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2020 vừa được công bố cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính tiếp tục đứng vị trí thứ 2/17 Bộ, cơ quan ngang bộ và đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp Bộ Tài chính nằm trong tốp 3 Bộ đứng đầu về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính.

Tuệ Anh​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính