Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản công và Ngân sách Nhà nước

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản công và Ngân sách Nhà nước

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ tại các ngành, các cấp. Vì lẽ đó, công tác thanh tra, kiểm tra tài chính được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, chống thất thu, thất thoát, lãng phí NSNN, tài sản công. Để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Đặng Ngọc Tuyến – Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính về một số kết quả đã đạt được cũng như một số giải pháp triển khai trong thời gian tới để công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí ngày càng hiệu quả và thiết thực hơn.

?: Xin ông cho biết việc thi hành tiết kiệm chống lãng phí trong sử dụng tài sản công và ngân sách nhà nước đã được thực hiện như thế nào?

Trả lời: Về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, đến nay về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, tiến độ đề ra, góp phần hình thành hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ; tăng cường tính công khai, minh bạch; kiểm soát chặt chẽ các nguồn lực cho phát triển KT-XH. Qua đó, góp phần khắc phục sơ hở, bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí. Những mặt đã đạt được trong công tác này có thể kể đến như:

image

Ông Đặng Ngọc Tuyến - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính

ng tác quản lý chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, hiệu quả; chỉ đạo các cấp, các ngành siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường minh bạch trong thu, chi NSNN. Ngành Tài chính phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu NSNN, quyết liệt thu hồi nợ thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại.

Lĩnh vực Thuế, Hải quan liên tục được cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình nhằm tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí khai, nộp thuế cho người dân, doanh nghiệp. Kết quả thu NSNN năm 2019 vượt dự toán Quốc hội giao (tổng thu cân đối NSNN đạt 1.551,1 nghìn tỷ đồng, tăng 139,77 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán 9,9%).

Cơ cấu thu NSNN tiếp tục chuyển biến tích cực, bền vững hơn. Các nhiệm vụ chi NSNN được bảo đảm theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.

Công tác quản lý chi NSNN tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH. Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện dự toán chi NSNN với những yêu cầu chặt chẽ về thời gian, nội dung phân bổ và tổ chức thực hiện dự toán, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Nợ công được kiểm soát chặt chẽ, góp phần ổn định vĩ mô. Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt về tiết kiệm kinh phí NSNN năm 2019.

Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính-NSNN được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, chống thất thu, thất thoát, lãng phí NSNN (Năm 2019, qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, các cơ quan của Bộ Tài chính kiến nghị xử lý tài chính 71,7 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 25,1 nghìn tỷ đồng; chống chuyển giá, giảm lỗ 41,6 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 2,6 nghìn tỷ đồng, giảm dự toán, giảm thanh quyết toán 95,8 tỷ đồng,…).

Các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) đạt được kết quả quan trọng. CTMTQG Xây dựng nông thôn mới hoàn thành vượt mức cả về chỉ tiêu và thời gian so với kế hoạch. CTMTQG Giảm nghèo bền vững tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4% (giảm 1,3% so với cuối năm 2018). Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, cơ chế tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW tiếp tục đạt kết quả tốt. Việc thực hiện tinh giản biên chế trong các lĩnh vực và đổi mới khu vực sự nghiệp công đã góp phần giảm chi NSNN năm 2019 khoảng 6 nghìn tỷ đồng so với năm 2018, tạo thêm nguồn để tăng chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội.

Việc thành lập, quản lý hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN cơ bản đáp ứng được các yêu cầu huy động và phân bổ nguồn lực tài chính, phục vụ cho mục tiêu phát triển KTXH.

Công tác quản lý, sử dụng tài sản công đã có quy định rõ ràng

Nhiều bộ, ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành việc ban hành quy định về phân cấp trong quản lý, sử dụng tài sản công và triển khai xây dựng tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng, diện tích chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp. Tổ chức xác định số lượng xe ô tô được sử dụng theo đúng tiêu chuẩn, định mức và xử lý số xe dôi dư theo quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ; rà soát danh mục mua sắm tập trung để sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc mua sắm tập trung tài sản công, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm. Công tác cập nhật, chuẩn hoá dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công được thực hiện tương đối đầy đủ (Tổng giá trị tài sản tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công ngày 31/12/2019 là 1.398.748 tỷ đồng (tài sản là quyền sử dụng đất: 890.558 tỷ đồng; nhà 365.967 tỷ đồng; ô tô 25.420 tỷ đồng; tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản 116.545 tỷ đồng). Hạ tầng giao thông đường bộ: đã cập nhật vào Danh mục tài sản 54.136 tuyến đường. Công trình nước sạch nông thôn tập trung: đã cập nhật 15.275 công trình). Các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý tài sản công đã thực hiện mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước để quản lý số tiền thu được từ xử lý tài sản công.

?: Vậy còn những điểm nào cần khắc phục thưa ông?

Trả lời: Bên cạnh những việc đã làm được, vẫn còn một số điểm cần khắc phục. Đơn cử như tỷ lệ huy động từ thuế, phí so với GDP có xu hướng giảm, chủ yếu do thu từ dầu thô và xuất, nhập khẩu giảm nhanh. Kết quả xây dựng nông thôn mới ở một số vùng thấp hơn so với mặt bằng chung. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao. Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, phân tán; xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập nhiều; còn trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ. Việc giải ngân vốn đầu tư còn chậm,...

Ngoài ra, việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng còn chậm, làm ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản công. Nguyên nhân chủ yếu là các quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo chưa được ban hành nên các bộ, ngành, địa phương không có cơ sở để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Ngoài ra, do số lượng máy móc, thiết bị chuyên dùng, diện tích trụ sở chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp nhiều, chủng loại đa dạng, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu khác nhau nên việc tổng hợp, xây dựng tiêu chuẩn, định mức chưa được triển khai kịp thời.

?: Xin ông nêu một vài giải pháp để công tác quản lý, sử dụng tài sản công và quản lý ngân sách nhà nước trong thời gian tới được hiệu quả và thực chất hơn.

Trả lời: Năm 2020, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”; quan điểm chỉ đạo, điều hành là vừa thực hiện quyết liệt chống dịch bệnh Covid-19, vừa kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu KT-XH theo các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội.

Trong thời gian tới, để công tác quản lý, sử dụng tài sản công và NSNN hiệu quả, thực chất hơn, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo THTKCLP tại các bộ, ngành, địa phương. Xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng lĩnh vực, gắn với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đưa kết quả THTKCLP là tiêu chí đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức THTKCLP đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong THTKCLP; bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, tăng cường công tác tổ chức THTKCLP trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

Điều hành dự toán NSNN chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính - NSNN; quản lý chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ, triệt để tiết kiệm toàn diện trên các nội dung chi. Chỉ ban hành mới chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn đảm bảo. Không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia. Không đề xuất, phê duyệt các đề tài khoa học có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi, chưa xác định được nguồn kinh phí. Từng bước thực hiện phương thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu, khoán kinh phí nghiên cứu khoa học đến sản phẩm cuối cùng. Tiếp tục cải cách công tác kiểm soát chi NSNN theo hướng thống nhất quy trình, tập trung đầu mối, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước, đơn vị sử dụng NSNN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát chi, quản lý thu NSNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm sử dụng hiệu quả NSNN và tài sản công.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả quy định của pháp luật về quản lý nợ công. Quản lý, giám sát hiệu quả sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Nâng cao trách nhiệm giải trình, năng lực, quản lý dự án của các bộ, ngành, địa phương, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm trên cơ sở thống nhất với nhà tài trợ. Rà soát các chương trình, dự án đã ký kết và có hiệu lực, đang triển khai thực hiện, cắt giảm các khoản chi mang tính chất quản lý hành chính như mua sắm xe ô tô, thiết bị văn phòng, khảo sát nước ngoài. Rà soát kế hoạch sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, kiên quyết loại bỏ các dự án không thật sự cần thiết, kém hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Bố trí dự toán chi nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, bảo đảm theo tiến độ đã ký kết với nhà tài trợ, khả năng đáp ứng nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng, năng lực của chủ đầu tư và trong phạm vi hạn mức vốn nước ngoài trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 được giao.

Thực hiện mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ, công khai, minh bạch. Kiên quyết thu hồi diện tích nhà, đất trụ sở cũ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới; quyết liệt thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Hoàn thành việc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng. Tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, đảm bảo từng bước có đầy đủ thông tin về tài sản công. Thí điểm xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công theo hình thức đối tác công tư (PPP) để thực hiện các giao dịch về tài sản công trực tuyến.

Xin cảm ơn ông!

                    Kim Chung (t/h)​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính