Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2022): Quỹ Độc lập và “Tuần lễ Vàng” góp phần giải quyết khó khăn về tài chính cho Chính phủ lâm thời

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2022): Quỹ Độc lập và “Tuần lễ Vàng” góp phần giải quyết khó khăn về tài chính cho Chính phủ lâm thời

Sự ủng hộ nhiệt tình, quyên góp tự nguyện của các tầng lớp nhân dân trên khắp đất nước Việt Nam trong những ngày đầu giành chính quyền đã có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần cần kíp, khẩn trương giải quyết những khó khăn về tài chính của đất nước, từng bước củng cố vững chắc chính quyền non trẻ.

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đất nước được độc lập, nhân dân có quyền tự do, nhưng chúng ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách. Bên cạnh những khó khăn về chính trị, quân sự, là những khó khăn về kinh tế và nguồn lực tài chính. Khó khăn đó đặt ra cho ngành Tài chính cách mạng những nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Tình hình tài chính của đất nước sau ngày Độc lập hết sức eo hẹp, ngân sách của Chính phủ gần như trống rỗng, tiền mặt ở Ngân khố Trung ương lúc bấy giờ chỉ có một triệu hai trăm năm mươi ngàn đồng (1.250.000 đồng), trong đó có năm trăm tám mươi ngàn đồng (580.000 đồng) bằng hào nát… Yêu cầu cấp bách đặt ra là phải củng cố chính quyền về mọi mặt, đề ra các biện pháp để giải quyết những khó khăn về đối nội, đối ngoại, về tài chính của đất nước.

Để cấp bách giải quyết vấn đề tài chính, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp, chính sách khác nhau, đưa ra những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Một số chính sách quan trọng trong lĩnh vực tài chính như: Đấu tranh tiền tệ với các loại tiền quan kim, quốc tệ; thực hiện chính sách bãi bỏ thuế thân; ban hành tín phiếu và sớm phát hành đồng tiền của đất nước Việt Nam độc lập. Nhưng để giải quyết những khó khăn trước mắt, Chính phủ chủ trương dựa vào sức dân, động viên tinh thần yêu nước của nhân dân, vận động nhân dân ủng hộ Chính phủ.

Quốc lệnh số 04 ngày 04/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời
về việc lập ở Hà Nội và các tỉnh một quỹ gọi là “Quỹ Độc lập”
.

Chỉ 2 ngày sau khi ra mắt, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Quốc lệnh số 04 ngày 04/9/1945 thành lập tại Hà Nội và các tỉnh một quỹ gọi là “Quỹ Độc lập”. Quốc lệnh nêu rõ: Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia. Đồng thời, Sắc lệnh cũng chỉ định người đứng đầu chịu trách nhiệm và cách thức triển khai tổ chức quyên góp, quản lý Quỹ. Ở Hà Nội, ông Đỗ Đình Thiện là Phụ trách Quỹ Trung ương ở Hà Nội và mọi việc quyên tiền và đồ vật và việc tổ chức sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Tài chính.

Ngay sau khi ban hành Sắc lệnh lập “Quỹ Độc lập”, để nhanh chóng động viên nguồn lực từ nhân dân, Chính phủ đã tổ chức phát động phong trào “Tuần lễ Vàng”, được tiến hành trong cả nước từ ngày 17/9 đến ngày 24/9/1945, nhằm động viên nhân dân quyên góp tiền bạc, của cải ủng hộ Chính quyền cách mạng.

Trong buổi Lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước, thư nêu rõ ý nghĩa to lớn của việc tổ chức Tuần lễ Vàng và kêu gọi nhân dân tích cực tham gia:“Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có…Tuần lễ Vàng sẽ thu góp số Vàng trong nhân dân và nhất là của các nhà giàu có để cúng vào việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng. Tuần lễ Vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết rằng trong lúc chiến sĩ Việt Minh trên các mặt trận quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương, nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút Vàng để phụng sự Tổ quốc”. 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và với tinh thần “Vàng tuy là quý. Độc lập và tự do lại còn quý hơn. Đồng bào hãy đem vàng bảo vệ đất nước và kiến thiết quốc gia”, với lòng nồng nàn yêu nước, nhân dân ta ở khắp nơi, tiểu thương, phú hào, tư sản… đã tích cực quyên góp tiền, vàng, bạc, nhà, thóc, gạo… ủng hộ Chính quyền cách mạng. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu đồng và 370 kilôgam vàng.

Các tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ “Tuần lễ vàng” do Chính phủ phát động

Sự ủng hộ, quyên góp nhiệt tình, tự nguyện của các tầng lớp nhân dân đặc biệt là những người giàu có đã có tác dụng, ý nghĩa quan trọng, góp phần cần kíp, khẩn trương giải quyết khó khăn bước đầu về tài chính của đất nước, góp phần từng bước củng cố chính quyền nhà nước về mọi mặt, nhất là để tăng cường tiềm lực quốc phòng. Hơn nữa, sự đồng lòng của nhân dân, thể hiện mối liên hệ giữa nhân dân và Chính phủ, khẳng định hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đáng trân quý, không chỉ có tầng lớp lao động là công nhân, nông dân… sát cánh cùng Chính phủ, mà các tầng lớp, giai cấp khác là tiểu tư sản, tư sản giàu có, tiểu thương, giới nam nữ, học sinh, phụ nữ, thiếu niên…cũng đồng lòng, ra sức ủng hộ Chính phủ.

Trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất và vô cùng cấp bách về tài chính, lời thề từ bản Tuyên ngôn độc lập “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập” cũng là lời hiệu triệu gửi tới toàn thể quốc dân đồng bào. Lời hiệu triệu ấy cùng những chính sách tài chính phù hợp, linh hoạt đã động viên được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, khơi thông nguồn lực tài chính giúp chính quyền non trẻ vượt qua mọi khó khăn thử thách, chiến thắng mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù, tiến tới thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Nhìn lại những năm tháng đã qua trong chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển đất nước, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, gian khó, tinh thần yêu nước ấy của các tầng lớp nhân dân lại được khơi dậy mạnh mẽ, trở thành sức mạnh vô song giúp đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, là tiền đề quan trọng để xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, hùng cường.

 

Trước Cách mạng tháng Tám, quỹ của Trung ương Đảng khi bàn giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng chỉ còn 24 đồng Đông Dương. Ngoài ra, còn các khoản nợ khác như: Nợ các ngân phiếu phát hành chưa trả, nợ nhân dân về số tiền hào do Ngân khố phát hành, nợ về trái phiếu ngắn hạn phát hành trong năm 1941 - 1942… Tất cả số nợ của Ngân quỹ Đông Dương khoảng hơn 500 triệu đồng.

Minh Tuấn​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính