Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng vượt mức 50% kế hoạch

TIN TỨC SỰ KIỆN Tin tài chính  
Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng vượt mức 50% kế hoạch

Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 8 tháng và ước thực hiện 9 tháng năm 2023 của Bộ Tài chính cho biết, giải ngân vốn ngân sách nhà nước đến 30/9/2023 là 363.310,6 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng so với cùng kỳ năm 2022 (46,70%).

image

Tỷ lệ giải ngân 9 tháng năm 2023 đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao

Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH là 49.740,216 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn trong nước đạt 52,33% (cùng kỳ năm 2022 là 48,6%), vốn nước ngoài đạt 28,37% (cùng kỳ năm 2022 đạt 19,03%).

Có 12/52 Bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50% kế hoạch. Một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng phát triển (100%), Ngân hàng Nhà nước (69,65%), Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (68,06%), Đồng Tháp (79,36%), Long An (74,98%), Tiền Giang (77,84%). Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%, trong đó có 17 Bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 10%.

Về tình hình thực hiện giải ngân các dự án quan trọng quốc gia: Đến hết ngày 31/8/2023, tổng số vốn giải ngân của 09 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 48.297,55 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 55,3% trên tổng kế hoạch năm 2023 được giao (87.317 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 41.857,66 tỷ đồng, đạt 53,9% và vốn ngân sách địa phương là 6.997,98 tỷ đồng, đạt 72,9%. Như vậy kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ bình quân chung 8 tháng của cả nước.

Báo cáo tiếp tục chỉ ra nguyên nhân chậm chễ của một số bộ ngành địa phương có tiến độ giải ngân chậm như: Trong việc giao đất, chuyển đổi đất rừng tại một số dự án còn phức tạp, mất nhiều thời gian; thực hiện các quy định mới về an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, một số dự án mang tính chất chuyên ngành phải trình duyệt nhiều bước. Các dự án thủy lợi, đê điều có tính đặc thù, công tác thi công có tính thời vụ sản xuất nông nghiệp, việc khoan đê, cắt đê không thực hiện được trong mùa mưa bão, khan hiếm nguồn nguyên vật liệu, biến động giá nguyên vật liệu; các Bộ, ngành và địa phương có nhu cầu điều chỉnh vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhưng chưa thực hiện được do phải chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Kế hoạch đầu tư; một số địa phương chưa tổ chức đấu giá đất nên chưa có số thu để giải ngân.

Để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN kế hoạch năm 2023, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương triển khai phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án thuộc danh mục dự án được giao theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023; có quyết định điều chỉnh kế hoạch (nếu có nhu cầu) theo hướng dẫn của Bộ KHĐT về điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Đồng thời, các tổ công tác tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt trong kiểm tra, đôn đốc, kiểm điểm tiến độ theo tuần để kịp thời tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án.

HD


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính