Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế tự chủ với đơn vị sự nghiệp công lập

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế tự chủ với đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập được xem là cơ sở pháp lý quan trọng với những quy định trao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các đơn vị sự nghiệp công. Tuy nhiên, do tác động nặng nề của dịch Covid-19 đến nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo…nên đòi hỏi Nghị định cần có những điều chỉnh phù hợp.  

Bà Nguyễn Thuỳ Linh, Trưởng phòng Sự nghiệp văn xã, Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) trao đổi tại Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 60/2021/NĐ-CP tổ chức ngày 11/11/2022

Sửa Nghị định nhằm thích ứng với điều kiện thực tế mới

Năm 2020-2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế xã hội, nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực y tế và lĩnh vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Việc đánh giá tình hình thực hiện phương án tự chủ của giai đoạn trước nhằm đề xuất phương án tự chủ cho giai đoạn tới không đảm bảo tính đầy đủ, khách quan, từ đó, ảnh hưởng đến việc xác định mức độ tự chủ của các đơn vị trong thời kỳ ổn định tiếp theo.

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về các khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép các đơn vị SNCL được tiếp tục thực hiện phương án tự chủ đã được duyệt đến hết năm 2022. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP là cần thiết và phù hợp với thực tiễn.

Theo đại diện Vụ Hành chính sự nghiệp, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP (sau đây gọi là Dự thảo Nghị định sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp; khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc xây dựng Dự thảo Nghị định đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động của các đơn vị SNCL trong các lĩnh vực khác nhau.

Sửa đổi cách xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên

Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định, nguồn thu xác định mức độ tự chủ (A) gồm các khoản thu từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ. Do đó, cần thiết bổ sung quy định về các khoản chi thường xuyên xác định mức độ tự chủ (B) gồm nội dung chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do đã được kết cấu trong phần xác định nguồn thu (A), đảm bảo tính bao quát của các nội dung chi tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Về trích lập quỹ bổ sung thu nhập của đơn vị nhóm 2, tiếp thu ý kiến của các địa phương để khuyến khích đơn vị nhóm 3 chuyển đổi mức độ tự chủ lên nhóm 2, đồng thời đảm bảo ổn định mức chi trả thu nhập tăng thêm của đơn vị đã thực hiện trong năm 2021 trở về trước, Dự thảo Nghị định sửa đổi quy định mức chi trả thu nhập của đơn vị nhóm 2 không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản đóng góp (theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP, mức chi trả thu nhập của các đơn vị nhóm 2 được quy định không quá 2 lần, tương đương mức trích của đơn vị nhóm 3).

Về lộ trình giảm chi thường xuyên giao tự chủ của đơn vị SNCL, khoản 4 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định lộ trình chuyển đổi 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công nhóm 3 tương ứng với từng mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên. Quy định này được cho là mang tính pháp lệnh. Mặt khác, trên thực tế, việc quy định chi tiết việc chuyển đổi số lượng đơn vị gặp nhiều khó khăn do mức độ tự chủ của các đơn vị nhóm 3 có thể sẽ thay đổi hằng năm phụ thuộc vào tình hình tài chính của đơn vị. Thêm vào đó, Nghị quyết số 19-NQ/TW đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị SNCL so với giai đoạn 2016-2020.

Do đó, để đảm bảo mục tiêu Nghị quyết 19 và phù hợp với thực tế triển khai, Dự thảo Nghị định sửa đổi đề xuất sửa đổi nội dung này theo hướng chỉ quy định về lộ trình giảm chi thường xuyên hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị SNCL.

Bỏ quy định về nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương

Dự thảo Nghị định sửa đổi bỏ quy định về nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương (quy định tại điểm b, khoản 1 điều 16 và điểm b khoản 1 điều 20 của Nghị định 60/2021/NĐ-CP). Lý do được đưa ra là quy định này không phù hợp với nội dung của các điều này là quy định về nội dung chi thường xuyên giao tự chủ, dẫn đến hiểu nhầm là nguồn kinh phí cải cách tiền lương trích lập đơn vị được thực hiện tự chủ. Mặt khác, nội dung quy định về cách xác định trích nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương tại các điều này không phù hợp với thực tế.

Theo phản ánh, việc quy định tại điểm b khoản 1 điều 16 Nghị định 60, đơn vị sự nghiệp công nhóm 3 tiếp tục sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ để bảo đảm nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương dẫn đến vướng mắc trong thực hiện, các đơn vị thực tế thừa nguồn cải cách tiền lương nhưng thiếu nguồn đảm bảo chi thường xuyên. Theo đó, Bộ Tài chính đã điều chỉnh quy định tại Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2022; việc trích nguồn cải cách tiền lương với số thu dịch vụ (bao gồm cả học phí), các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác sử dụng tối thiểu 40% số chênh lệch thu lớn hơn chi. Do đó, trường hợp các đơn vị có chênh lệch thu được để lại lớn hơn chi cung cấp dịch vụ mới phải trích nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại Thông tư 122/2021/TT-BTC.

Tương tự, đơn vị nhóm 4 vẫn có các khoản thu sự nghiệp, thu dịch vụ, do đó, đơn vị vẫn phải trích nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, điểm b khoản 1 điều 20 Nghị định 60 chỉ quy định thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm để tạo nguồn cải cách tiền lương (không quy định trích nguồn cải cách tiền lương đối với các khoản thu sự nghiệp, thu dịch vụ).

Giao quyền tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công có đơn vị sự nghiệp trực thuộc

Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, các đơn vị sự nghiệp công được quyền giao phương án tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số đơn vị, quy định này chưa đảm bảo tính chặt chẽ vì số lượng đơn vị sự nghiệp công có đơn vị sự nghiệp công cấp dưới trực thuộc tự đảm bảo mức độ tự chi thường xuyên rất ít, có những đơn vị vẫn cần mức độ hỗ trợ nhất định từ ngân sách nhà nước. Việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công cấp trên tự phê duyệt phương án tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công cấp dưới trực thuộc chỉ nên áp dụng với trường hợp đơn vị đó tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động. Nếu đơn vị sự nghiệp công cấp dưới vẫn do ngân sách nhà nước đảm bảo hoặc hỗ trợ kinh phí thì phải lấy ý kiến cơ quan tài chính, tránh trường hợp các đơn vị tự phê duyệt phương án tự chủ của đơn vị cấp dưới vượt quá khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Do đó, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về giao quyền tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công có đơn vị sự nghiệp trực thuộc theo hướng giao quyền cho đơn vị tự quyết định đối với các đơn vị hạch toán độc lập; cung cấp dịch vụ khác với đơn vị chính.

Bỏ quy định về điều kiện tự chủ của cơ sở giáo dục đại học

Điều 29 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về điều kiện tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 32 Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, theo phản ánh, quy định này dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện bởi thực tế hiện nay các cơ sở giáo dục đại học là đơn vị SNCL thuộc đối tượng đang áp dụng cơ chế tự chủ tài chính theo quy định chung, không bị ràng buộc với các điều kiện khác. Do đó, ban soạn thảo đề xuất bỏ quy định này tại Dự thảo Nghị định sửa đổi.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng quy định việc điều chỉnh phân loại tự chủ của đơn vị theo hướng đơn vị sự nghiệp công đã được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị nhóm 1 hoặc nhóm 2 tiếp tục thực hiện theo các quy định về cơ chế tư chủ tài chính quy định tại Nghị định này không được điều chỉnh phân loại sang đơn vị nhóm 3 hoặc nhóm 4 trong giai đoạn ổn định phân loại 5 năm hoặc sau giai đoạn ổn định phân loại 5 năm, trừ khi đơn vị có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ hoặc có biến động lớn về tình hình xã hội, thay đổi chính sách, chế độ hoặc do nguyên nhân bất khả kháng (như thiên tai, dịch bệnh) dẫn đến biến động nguồn thu làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính.

Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, UBND tỉnh có trách nhiệm ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về điều kiện phân loại đơn vị sự nghiệp công nhóm 2; bổ sung quy định về nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp công nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 và nhóm 4;...

HP​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính