Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đảm bảo cân đối NSNN, hỗ trợ phục hồi kinh tế

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Đảm bảo cân đối NSNN, hỗ trợ phục hồi kinh tế

Bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác điều hành chính sách tài khóa được ngành Tài chính triển khai một cách chủ động, quyết liệt thu, chi NSNN, kịp thời ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách tài khóa, cân đối đảm bảo nguồn lực hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội.

Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm 2022.

Ảnh: Hữu Thọ

Tiến độ thu ngân sách đạt khá

Theo kết quả báo cáo tại Hội nghị sơ kết ngành Tài chính 6 tháng đầu năm 2022, lũy kế 6 tháng thu NSNN đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán, tăng 19,9% so cùng kỳ năm 2021.

Thu nội địa đạt 747,9 nghìn tỷ đồng, bằng 63,6% dự toán, tăng 16,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 56,7% dự toán, tăng 14,8%). Có 10/12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa tiến độ thu đạt khá so dự toán (trên 55%), còn 02 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (48% dự toán) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (40,5% dự toán).

Thu từ dầu thô đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, bằng 125,6% dự toán, tăng 87,2% so với cùng kỳ, giá dầu bình quân 6 tháng đạt khoảng 100,4 USD/thùng, cao hơn 40,4 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng đạt 4,21 triệu tấn, bằng 60,1% kế hoạch.

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 157,9 nghìn tỷ đồng, bằng 79,4% dự toán, tăng 28,3% so cùng kỳ, trên cơ sở tổng số thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 225,6 nghìn tỷ đồng, bằng 64,1% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 67,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán.

Hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng tăng trưởng tích cực; kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá đến ngày 30/6/2022 đạt 371,2 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch các mặt hàng đóng góp số thu lớn cho ngân sách tăng mạnh (như: xăng dầu, chất dẻo, hóa chất, điện thoại và linh kiện, sắt thép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử nhập khẩu,...), góp phần tăng thu ngân sách trong lĩnh vực này.

Cả nước có 60/63 địa phương tiến độ dự toán thu nội địa đạt trên 50% dự toán, trong đó 47 địa phương đạt trên 58% dự toán ; 45 địa phương thu cao hơn cùng kỳ; 03 địa phương tiến độ thu dự toán đạt thấp.

Chi NSNN đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH

Trong 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Thực hiện 6 tháng chi NSNN ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán. Trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 28,6% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,1% dự toán, chi thường xuyên đạt 45,8% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Riêng về chi đầu tư phát triển: Tổng số kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao 542,1 nghìn tỷ đồng , bên cạnh đó các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương,…) tăng thêm khoảng 43,5 nghìn tỷ đồng so kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đạt 97,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không kể số kế hoạch vốn các địa phương giao tăng thêm, thì đạt 89,22%). Tính đến cuối tháng 6, vẫn còn 09 bộ, cơ quan trung ương và 06 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch nguồn vốn ngân sách trung ương được Thủ tướng Chính phủ giao; 11 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt song một số bộ ngành địa phương chưa quyết liệt triển khai các giải pháp chỉ đạo điều hành thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công dẫn đến tiến độ giải ngân vốn 6 tháng đầu năm còn chậm. Mặc dù số vốn giải ngân tăng 12,3% so cùng kỳ, nhưng tỷ lệ mới đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 29,02%), trong đó giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt 8,61% kế hoạch. Có 07 Bộ và 12 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt trên 35% kế hoạch, trong khi 25 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đạt dưới 10% kế hoạch , trong đó có 04 Bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân số vốn được giao.

Về cân đối NSNN, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong 6 tháng đầu năm, đã thực hiện phát hành 69 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 14,75 năm, lãi suất bình quân 2,45%/năm.

Tuệ Anh​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính