Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Công tác quản lý, điều hành giá cần thực hiện một cách chủ động, linh hoạt xuyên suốt năm 2023

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Công tác quản lý, điều hành giá cần thực hiện một cách chủ động, linh hoạt xuyên suốt năm 2023

Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ ngày mùng 2 Tết, Bộ Tài chính đã tổng kết công tác chuẩn bị hàng Tết tại các địa phương, công tác thanh tra, kiểm tra giá và công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Quỹ Mão năm 2023. Đồng thời, Bộ Tài chính đưa ra các nhận định về thị trường trong và sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Qua đó, tiếp tục đề xuất các biện pháp quản lý, điều hành giá cả trong và sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Không có biến động bất thường trong dịp Tết

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, về cơ bản diễn biến giá cả thị trường tháng 1 và trong những ngày Tết không có biến động bất thường tại các địa phương, một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng theo quy luật hoặc theo diễn biến giá thế giới. Hoạt động mua sắm trong ngày 29, 30 Tết tập trung chủ yếu là ở một số mặt hàng phục vụ liên hoan tất niên tại các gia đình và cúng Giao thừa như rau củ quả, các loại thực phẩm tươi sống, hoa quả, rượu bia, thuốc là và bánh kẹo.

Tại các địa phương, những ngày sát Tết giá gạo chất lượng cao, gạo nếp tăng nhẹ từ 3 - 5% so với ngày thường, giá gạo tẻ thường ổn định, lượng cung dồi dào. Tại miền Bắc, giá gạo tẻ thường ở mức 12.000-14.000 đồng/kg; gạo tám thơm Điện Biên từ 18.000-22.000; gạo nếp từ 20.000-30.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá bán lẻ trên thị trường gạo trắng thường 25% tấm ở mức 14.000-17.000đ/kg, gạo thơm chợ Đào 20.000-22.000đ/kg.

Giá thực phẩm tươi sống ổn định trước Tết do nguồn cung dồi dào và mức giá tương đối ổn định hoặc tăng giá nhẹ. So với ngày thường, giá thịt bò tăng khoảng 10.000 – 20.000 đ/kg tùy từng thị trường địa phương do nhu cầu tăng; giá gà sống tăng khoảng 10.000 – 30.000 đ/kg; giá lợn hơi ổn định so giai đoạn trước Tết kéo theo giá thịt lợn thành phẩm cũng không có biến động lớn. Giá thực phẩm tại các điểm bán hàng bình ổn vẫn ổn định và thấp hơn so với giá thị trường.

Giá bán các mặt hàng rau củ, trái cây hầu hết tại các địa phương cơ bản ổn định thậm chí có một số nơi giảm nhẹ do thời tiết thuận lợi cho việc trồng rau quả nên nguồn cung khá dồi dào và ổn định. Giá các loại hoa quả, nhất là một số loại hoa quả nhập tăng nhẹ từ 10 - 15% tùy từng loại so với ngày thường do nhu cầu cúng Tết cũng như phục vụ quà tặng, chúc Tết.

Nhìn chung các mặt hàng thực phẩm chế biến có giá ổn định dịp trước Tết do các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị đủ nguồn hàng cho thị trường và các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn Tết đều có các chính sách ổn định giá cả cho các tháng trong và sau Tết. Giá nhiều mặt hàng như đường, dầu ăn, nước mắm ổn định do nguồn cung lớn, nhiều loại hàng Việt đã có thị phần lớn so với các năm trước, mẫu mã bao bì chất lượng hàng Việt Nam sản xuất có sự tiến bộ vượt trội so với các năm trước, chiếm được thị phần lớn, cạnh tranh được với hàng tương tự, ngoại nhập. Giá các loại bia, rượu và nước ngọt năm nay biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái do lượng hàng trong các siêu thị, cửa hàng rất dồi dào.

Chợ tết quê. Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Giá hoa tươi tăng nhẹ vào các ngày giáp Tết do nhu cầu tăng cao đối với các loại hoa tươi phục vụ cúng lễ. Giá các loại cây cảnh chơi Tết như đào, quất, mai tương đương so với cùng kỳ năm trước, nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, đến những ngày cận Tết (từ chiều ngày 29 âm) giá hoa, cây cảnh có xu hướng giảm so với các ngày trước do nguồn cung phong phú, dồi dào, hoa đẹp, không bị khan hiếm trong khi lượng mua kém hơn so với mọi năm khiến nhiều người buôn bán cây cảnh muốn giảm giá, xả hàng thu hồi vốn sớm. Nhìn chung, nhu cầu mua sắm năm nay giảm hơn so với các năm trước do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình phải cân nhắc chi tiêu ngày Tết. Tuy nhiên các loại hoa như hoa cúc, hoa hồng; các loại hoa quả tươi bày thờ cúng tăng giá nhẹ để phục vụ nhu cầu các gia đình bày mâm ngũ quả, cắm hoa Tết.

Giá dịch vụ vận tải cơ bản hiện vẫn ổn định, trong tầm kiểm soát của các địa phương. Trước diễn biến giá xăng dầu có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, Sở Giao thông các tỉnh, thành phố đã triển khai các biện pháp nhằm tăng cường quản lý giá cước vận tải trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Theo đó, Sở Giao thông đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc kê khai để đảm bảo mức giá cước vận tải phù hợp với giá nhiên liệu. Theo báo cáo của các địa phương, về cơ bản giá cước vận tải các tuyến cố định trong thời gian qua không tăng hoặc tăng ít. Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao vào dịp trước và sau Tết nguyên đán, một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá phụ thu chiều rỗng một chiều.

Giá dịch vụ giữ xe về cơ bản ổn định, ở tại các siêu thị, trung tâm thương mại giá dịch vụ giữ xe thực hiện tốt theo đúng quy định, một số chợ truyền thống, các điểm trông xe tự phát quanh các địa điểm tâm linh có biến động tăng.

Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết chu đáo

Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các tỉnh đã rất linh hoạt, chủ động trong tổ chức triển khai các giải pháp bình ổn giá cả thị trường. Tùy điều kiện thực tế tại địa phương về cung cầu hàng hóa, đẩy mạnh xã hội hóa chương trình bình ổn thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia. Các doanh nghiệp lớn, hệ thống siêu thị, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đã chủ động nhập hàng dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán và có kế hoạch tổ chức các hoạt động phục vụ Tết như bán hàng lưu động, các chương trình khuyến mại, giảm giá, tổ chức bán hàng đến cận Tết và bán sớm sau Tết để đảm bảo tình trạng khan hiếm hàng hóa không xảy ra, ổn định giá cả thị trường. Cụ thể:

Tại thành phố Hồ Chí Minh, có tổng số 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, với nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao. Điểm mới của chương trình năm nay là chia rõ nhóm đối tượng tham gia với hình thức, gồm cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng... Các nhóm mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường đảm bảo “giá hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM luôn bảo đảm thấp hơn giá các sản phẩm cùng loại, chất lượng, quy cách trên thị trường từ 5% - 15%”, Tuy nhiên, “năm 2022, nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu tăng mạnh so năm 2021; trong đó, có thể kể đến một số mặt hàng như gạo tăng 27%, đường tăng 56%, dầu ăn tăng 101%, thịt gia cầm tăng 2%, trứng gia cầm tăng 6%, thực phẩm chế biến tăng 31%, gia vị tăng gấp 5 lần, lương thực khô (mì, bún, phở... khô) tăng gấp 8 lần”. Các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22 nghìn tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng Tết. Trong đó, tập trung vào các loại hàng hóa như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến… Thành phố hiện có 46 trung tâm thương mại, 227 siêu thị và 3000 cửa hàng tiện ích. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường. TP.HCM cũng đã ký kết 600 biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết trước và sau tết không điều chỉnh tăng giá bán với hàng hóa thiết yếu. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Thành phố đã chỉ đạo với các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, tập trung nguồn hàng, bố trí hệ thống, kho dự trữ tập kết hàng hóa nhân lực, đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ để điều phối, thực hiện ngay khi có yêu cầu.

Tại Hà Nội, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22 nghìn tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng Tết, với nguồn khai thác trong nước và nhập khẩu sẵn sàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Dự trữ hàng hoá ước tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay cũng tăng nhẹ so với năm trước. Nhóm hàng hóa huy động tăng cường trong dịp Tết: chiếm khoảng 35% nhu cầu thị trường trong dịp Tết: Bánh mứt kẹo phục vụ Tết: 525 tấn; Rượu, bia, nước giải khát: 70 triệu lít... ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% với Kế hoạch phục vụ Tết năm trước). Các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15%- 30% so với Kế hoạch Tết 2022. Hà Nội đưa vào vận hành thêm 05 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP, nâng tổng số điểm bán sản phẩm OCOP lên 85 điểm bán sản phẩm OCOP trên toàn Thành phố…

Tại Đà Nẵng, dự báo nhu cầu tiêu thụ thời gian tới sẽ tăng. Do đó, tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến tăng lên khoảng 1.850 tỷ đồng. Trong đó: 351,9 tấn gạo, nếp các loại; hơn 4.000 tấn thịt các loại (trong đó thịt heo khoảng 2.000 tấn), 645,7 tấn thực phẩm chế biến, đóng hộp, 287,6 tấn thực phẩm khô, 798,3 tấn bánh kẹo mứt hạt dưa các loại, 900 tấn rau củ quả các loại…

Các địa phương triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, thanh tra

Trong thời gian vừa qua, các địa phương đều đã triển khai rất quyết liệt công tác về quản lý thị trường, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá. Sở Tài chính cùng với Sở Công Thương và các Sở, ngành liên quan đã tham mưu trình UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các yếu tố hình thành giá của các hàng hoá, dịch vụ độc quyền, thực hiện các đoàn kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn quản lý; kiểm soát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; kiểm tra các mặt hàng thiết yếu có tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng như: giá cước vận tải, giá giữ xe, giá dịch vụ lưu trú du lịch và các dịch vụ khác trong các dịp lễ, Tết...

Đối với nội dung kiểm tra, thanh tra giá, mỗi địa phương đều tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra và chia thành nhiều đợt, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, bán hàng hoá, dịch vụ theo đúng giá của cơ quan có thẩm quyền quy định; kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, việc kê khai giá, phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của Luật Giá.

Ngoài ra, nhằm chuẩn bị cho thời gian cao điểm đi lại trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, nhằm bù đắp chi phí chiều rỗng cũng như các chi phí để tăng chuyến, đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân, tương tự như các năm, một số địa phương đã nhận được công văn đề nghị cho phụ thu giá cước vận tải trong thời gian Tết Nguyên đán với mức phụ thu từ 40 – 60%. Sở Giao thông các tỉnh, thành phố cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp rà soát, giải trình lý do, mức phụ thu phù hợp để đảm bảo quyền lợi của người dân đi lại trong dịp Tết.

Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được Ban Chỉ đạo 389 các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục hải quan, Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các cửa khẩu đường bộ, đường biển, tuyến đường bộ, đường sắt, cảng hàng không nội địa, đường tiểu ngạch, chợ đầu mối, trung tâm thương mại.

Bên cạnh đó, các lực lượng phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn xây dựng, triển khai các phương án tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không, các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa; kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa, sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán qua mạng... kịp thời phát hiện các hành vi lợi dụng để kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…, tập trung vào hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa có thuế suất cao, hàng cấm, hàng giả, hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán như pháo nổ, thuốc lá, xăng dầu, khoáng sản, kim khí quý, ngoại tệ, hàng điện tử, điện thoại, thời trang cao cấp, thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, gia súc, gia cầm…

Tổng Cục hải quan đã có chỉ đạo các Cục hải quan xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đường nhập hàng hóa, tập trung lực lượng làm tốt công tác thông quan, giải phóng hàng hóa trong dịp Tết, không để xảy ra ùn tắc tại các cửa khẩu dịp cuối năm, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cục Thuế các tỉnh cũng tập trung chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra nhằm tránh thất thu thuế, gian lận thương mại; phối hợp với Cục Quản lý thị trường triển khai đồng bộ các hoạt động đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển để kiềm chế các hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả.

Tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý, bình ổn giá sau Tết

Dự báo về tình hình giá cả và đề xuất biện pháp quản lý, bình ổn giá sau Tết và cả năm 2023, Bộ Tài chính cho biết, do quý I trùng với thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, giá cả thường có biến động tăng theo quy luật vào trước và sau Tết. Giá một số dịch vụ công được triển khai theo lộ trình thị trường trong đó có giá điện nhiều khả năng sẽ tăng sớm từ đầu năm, giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giáo dục tiếp tục thực hiện theo lộ trình thị trường (trong đó giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu Bộ Y tế dự kiến điều chỉnh trong quý I), một số mặt hàng nhà nước định giá chịu áp lực từ biến động về yếu tố hình thành giá; Ngoài ra, yếu tố thiên tai có thể gây ảnh hưởng cục bộ đến giá lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm tại một số địa bản bị ảnh hưởng... Một số chính sách về hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2023.

Năm 2023 dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá, tình hình kinh tế, địa-chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp, lạm phát ở một số nước mặc dù có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng dự báo vẫn tiếp tục là một vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết, giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu trong nước, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng do Trung quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch. Bên cạnh đó, trong nước chịu tác động từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua, một số chính sách về hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2023, một số dự án lớn, những công trình trọng điểm quốc gia triển khai nhanh từ đầu năm, áp lực tăng giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm sau khi điều chỉnh tăng lương cơ bản, đặc biệt, áp lực lạm phát bình quân sẽ tăng ngay từ quý I năm 2023 do lạm phát được tích lũy theo xu hướng tăng trong năm 2022.

Tuy nhiên, theo quy luật giá cả một số mặt hàng thiết yếu thường nhích tăng trong các ngày Tết và sau đó dần giảm trở lại bình thường sau Tết. Tại một số tỉnh, thành phố lớn, nhiều siêu thị cửa hàng mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu, nguồn cung hàng hóa không còn bị gián đoạn sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân nên giá cả dự kiến không có nhiều biến động, giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản giữ giá ổn định, hoặc triển khai chương trình giảm giá cho một số khách hàng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm và sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Quốc hội, Chính phủ trong những năm qua và thời gian tới giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.

Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý khi điều kiện cho phép và đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trình Quốc hội thông qua Luật giá sửa đổi. Các Bộ, ngành, địa phương bám sát thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá về các giải pháp cụ thể đối với công tác điều hành giá tại các cuộc họp định kỳ Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Mộc Lan​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính