Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chủ nhiệm UBTCNS Lê Quang Mạnh: Chính phủ cần có lộ trình thu thuế phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Chủ nhiệm UBTCNS Lê Quang Mạnh: Chính phủ cần có lộ trình thu thuế phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu

Chiều 17/6, thừa ủy quyền Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Góp ý về dự án này, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến như cần cân nhắc việc đánh thuế đối với những món hàng có trị giá nhỏ, cũng như phải tính toán lộ trình thu thuế để mở rộng và bao quát nguồn thu trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh

nhất trí về sự cần thiết sửa đổi luật thuế GTGT. Ảnh: quochoi.vn

Luật cần minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình bày, dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) gồm 04 Chương, 18 Điều. Dự án Luật được xây dựng với mục đích hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào NSNN, đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN. Đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định, luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật (Nghị định, Thông tư) nhằm cải cách thủ tục hành chính; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, thống nhất, ổn định chính sách, thực hiện quản lý thuế điện tử, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào NSNN.

Khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.

Dự thảo Luật về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách. Theo đó, dự thảo Luật: Giữ nguyên nội dung quy định tại 05 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành gồm: phạm vi điều chỉnh (Điều 1); thuế GTGT (Điều 2); đối tượng chịu thuế (Điều 3); căn cứ tính thuế (Điều 6); phương pháp tính thuế (Điều 9). Sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 11 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành gồm: người nộp thuế (Điều 4); đối tượng không chịu thuế (Điều 5); giá tính thuế (Điều 7); thuế suất (Điều 8); phương pháp khấu trừ thuế (Điều 10); phương pháp tính trực tiếp trên GTGT (Điều 11); khấu trừ thuế GTGT đầu vào (Điều 12); các trường hợp hoàn thuế (Điều 13); hóa đơn, chứng từ (Điều 14); hiệu lực thi hành (Điều 15); tổ chức thực hiện (Điều 16). Bổ sung 01 Điều quy định về thời điểm xác định thuế GTGT và 01 Điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm.

Vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ được miễn thuế

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện hành quy định 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này. Dự án đề xuất bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ (tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển); lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng.

Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất sửa đổi quy định “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” thành “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Ngoài ra, để không gây xáo trộn đối với các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đã được ấn định thuế từ đầu năm, Chính phủ trình Quốc hội quy định mức doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.

Về giá tính thuế GTGT, dự án đề xuất bổ sung quy định cụ thể giá tính thuế đối với 02 nhóm hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại; dịch vụ kinh doanh: ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng, đặt cược; Bổ sung quy định việc xác định giá đất được trừ khi xác định giá tính thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, giá tính thuế đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đặc thù…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất nhiều nội dung mới

trong việc sửa đổi Luật Thuế GTGT. Ảnh: quochoi.vn

Về đối tượng áp dụng thuế suất 0%, dự thảo đề xuất bổ sung các quy định hiện đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật như “công trình xây dựng, lắp đặt ở nước ngoài, trong khu phi thuế quan”; thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; xăng, dầu mua tại nội địa bán cho cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan; xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan. Đồng thời, bổ sung quy định “hàng hóa đã bán tại khu vực cách ly cho cá nhân (người nước ngoài hoặc người Việt Nam) đã làm thủ tục xuất cảnh” và “hàng hóa đã bán tại cửa hàng miễn thuế” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% để khuyến khích xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ, hoạt động bán hàng miễn thuế, thu hút khách du lịch.

Ngoài ra, điểm mới dự luật lần này là bổ sung quy định không thu thuế GTGT với một số hàng nhập trong định mức miễn thuế nhập khẩu và miễn thuế GTGT với hàng có giá trị nhỏ.

“Luật hiện hành không quy định miễn thuế với hàng giá trị nhỏ, mà thực hiện theo Quyết định 78/2010 của Chính phủ. Theo đó, hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là dưới một triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu, thuế GTGT đầu vào (khâu nhập khẩu). Còn quà biếu, quà tặng cũng được miễn thuế nhập khẩu theo Nghị định 134/2016 hướng dẫn Luật Thuế xuất, nhập khẩu” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải thích.

Dự án cũng đề xuất bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hồ sơ, thủ tục và điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Về đối tượng áp dụng thuế suất 5%, dự án đề xuất chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sang áp dụng thuế GTGT 10%. Theo đó, sẽ chỉ còn 12 thay vì 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm áp dụng thuế suất 5%.

Bổ sung quy định về các hành vi nghiêm cấm trong hoàn thuế GTGT

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tại lần sửa đổi này, dự án đã bổ sung một số quy định về hoàn thuế để minh bạch chính sách, phù hợp với thực tế phát sinh và tránh vướng mắc trong thực hiện. Quy định rõ để tránh vướng mắc trong thực hiện về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư; hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; không hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh.

Đồng thời, dự án đề xuất bỏ một số quy định về hoàn thuế để phù hợp với thực tế phát sinh, ví dụ: không hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; không được hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu...

Để luật hóa quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật, đồng bộ với pháp luật về hóa đơn, chứng từ đồng thời tránh gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đề xuất bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 13 dự thảo Luật và sửa đổi, bổ sung quy định về hóa đơn, chứng từ tại Điều 16 dự thảo Luật cho phù hợp.

Cân nhắc việc bỏ thuế đối với các hàng trị giá nhỏ

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nhất trí về sự cần thiết sửa đổi luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Mạnh cho rằng Chính phủ nên cân nhắc bỏ miễn thuế GTGT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ, nhất là qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới. Bởi, hiện nhiều nước đã bỏ miễn thuế này với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu.

"Đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách nói.

Dẫn báo cáo của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông (VNPT) hồi tháng 3/2023, ông Mạnh cho biết bình quân mỗi ngày có 4-5 triệu đơn hàng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Giá trị các đơn hàng này hầu hết được chia nhỏ 100.000-300.000 đồng.

Như vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, trước đây lượng hàng có giá trị nhỏ nhập khẩu không nhiều nên tác động không đáng kể tới số thu thuế. Tuy nhiên, sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng tiêu dùng ở nhiều nước cho thấy, lượng giao dịch này đã tăng gấp nhiều lần thời gian qua. Bình quân mỗi ngày giá trị hàng luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiktok... khoảng 45-63 triệu USD và một tháng là 1,3-1,9 tỷ USD.

Thảo luận tại tổ sau đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế nhìn nhận các giao dịch nhỏ dưới 1 triệu đồng và nằm trong diện được miễn thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT qua các sàn thương mại điện tử rất lớn.

Dẫn chứng ra, ông cho biết, mỗi ngày hai người con trong độ tuổi thiếu niên của ông đặt mua 7-10 gói hàng, giá trị 30.000-50.000 đồng một đơn. "Phạm vi một gia đình như vậy, nếu tính quy mô cả nước thì giá trị các đơn hàng nhỏ như này vô cùng lớn", ông nói.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu tính thuế GTGT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ, dưới 1 triệu đồng, qua biên giới với Trung Quốc, Thái Lan để "có thêm nguồn thu bền vững".

Giải trình ở họp tổ chiều nay, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay Luật không quy định nhưng thực tế việc miễn thuế GTGT với hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh đang thực hiện theo Quyết dịnh 78/2010 của Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện một số quốc gia đã bỏ việc miễn thuế này. Chẳng hạn, EU bỏ miễn thuế GTGT với lô hàng dưới 22 euro, Vương Quốc Anh cũng đã bãi bỏ quy định về thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá từ 135 bảng anh trở xuống từ ngày 1/1/2021. Ngược lại, cũng có quốc gia trong khu vực như Thái Lan áp thuế GTGT 7% với tất cả hàng nhập khẩu, không phân biệt giá trị.

Thuế suất GTGT của Việt Nam còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực

Ngoài ra, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng mức thuế suất GTGT 10% của Việt Nam đang "thấp hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới". Tức là, Việt Nam có dư địa để tăng thuế suất GTGT, đặc biệt trong bối cảnh cần mở rộng cơ sở thu.

Hiện, thuế suất GTGT trung bình toàn cầu là 15%. Cụ thể, mức thuế GTGT ở khu vực châu Á là 12%, Mỹ La tinh 14%. Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang áp thuế GTGT khoảng 19%. Mức thuế này tại EU là 22%.

Theo ông Lê Quang Mạnh, một số nước ASEAN có xu hướng tăng thuế suất GTGT như một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ sau dịch Covid-19. Cùng đó, chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 cũng đưa ra định hướng "nghiên cứu tăng thuế suất thuế GTGT theo lộ trình". Vì thế, cơ quan này đề nghị Chính phủ đánh giá tác động và cân nhắc khả năng tăng thuế suất phù hợp sau khi nền kinh tế đã phục hồi.

Theo nghị trình, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) vào 24/6./.

Kim Chung​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính