Chiều ngày 6/2, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá để đánh giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá năm 2024 và định hướng năm 2025. Tham dự cuộc họp còn có đại diện một số Bộ, ngành và Tổng cục Thống kê.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá
CPI năm 2024 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết năm 2024, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều diễn biến khó lường do chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố bất ổn địa chính trị, xung đột leo thang ở Ukraina, Trung Đông và căng thẳng gia tăng ở bán đảo Triều Tiên... Trong nước, kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đảm bảo thông suốt và tăng cường cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ, cứu trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ, đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão; chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong những thời điểm thị trường thường có biến động như lễ, Tết; thời điểm xảy ra thiên tai, bão lũ, thời điểm tăng lương cơ sở; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Kết quả CPI bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, trong phạm vi mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm do Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Thứ trưởng Lê Tấn Cận báo cáo tại Hội nghị
Năm 2025, Bộ Tài chính nhận định giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng giảm đan xen do tác động của các yếu tố địa chính trị; giá một số vật liệu xây dựng có nguồn cung hạn chế có thể tăng do nhu cầu phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm. Đồng thời, việc điều chỉnh giá dịch vụ Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí, công tác giải ngân đầu tư công cho các dự án trọng điểm và những biến động kinh tế thế giới trước chính sách tăng cường hàng rào thuế quan mới của Mỹ là những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá năm 2025. Ở khía cạnh khác cũng tồn tại những yếu tố tác động giảm áp lực lên mặt bằng giá như khả năng tự chủ của Việt Nam trong sản xuất lương thực, thực phẩm đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; các chính sách hỗ trợ về thuế tiếp tục được thực hiện góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa, dịch vụ và sự kiên định thực hiện chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ tiếp tục củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân.
Đặt mục tiêu CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,15%
Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát do Chính phủ và Quốc hội đề ra; tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu kết hợp với kịch bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện tác động đến mặt bằng giá năm 2025, Bộ Tài chính xây dựng 3 kịch bản lạm phát bình quân năm 2025 tăng trong khoảng 3,83-4,5%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,8%-4,5%. Ngân hàng nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 4±0,4% và có tính đến xác suất lạm phát vượt mục tiêu 4,5% có thể xảy ra trong trường hợp Chính phủ phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức cao trên 8%.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành cũng đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình, công tác quản lý đối với mặt hàng thiết yếu trong năm 2024 để định hướng cho năm 2025. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, năm 2024 nguồn cung xăng dầu được đảm bảo thông suốt, không có tình trạng đứt gãy hay thiếu hụt cục bộ nguồn cung, đồng thời đã thực hiện tái cơ cấu lại hệ thống phân phối của hệ thống doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra, Nghị định sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu hiện đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.
Đối với giá vàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước không thực hiện kiểm soát giá vàng, chỉ thực hiện kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp. Tổng cục Thống kê cũng thống nhất với những đánh giá của Bộ Tài chính về các yếu tố tác động lên giá, đồng thời đối với kịch bản tăng trưởng năm 2025, Tổng cục Thống kê báo cáo kịch bản CPI ở mức cao đã được xây dựng trên cơ sở tương ứng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%.
Ông Lê Minh Ngân, thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tiền thuê đất hằng năm được áp dụng ổn định cho chu kỳ 5 năm, trường hợp tiền thuê đất tăng so với chu kỳ trước thì tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh nhưng không quá tỷ lệ do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn. Tỷ lệ điều chỉnh do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn không quá tổng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng năm cả nước của giai đoạn 5 năm trước đó. Bên cạnh đó, để giảm tiền thuê đất thì cần áp dụng mức tỷ lệ tính đơn giá thuê đất phù hợp và tăng cường thanh tra.
Trong ba kịch bản lạm phát năm 2025, Phó Thủ tướng đề nghị mức CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,15% so với năm 2024.
Triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá trong tình hình mới

Toàn cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá tháng 01/2025
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian còn lại của năm 2025 để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong điều kiện các nguồn lực được đẩy mạnh để phấn đấu tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các Bộ, ngành cần chủ động xây dựng kịch bản điều hành giá đối với từng hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý; Bộ Tài chính tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị triển khai thực hiện nghiêm túc Luật giá để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh trường hợp thao túng giá, nâng giá cùng với thực hiện hiệu quả niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Phó Thủ tướng cho rằng việc thực hiện niêm yết và bán theo giá niêm yết là rất quan trọng trong công tác quản lý giá. Dẫn chứng về câu chuyện bát phở lên đến 1 triệu đồng, hay những trường hợp bị tước giấy phép kinh doanh do có vi phạm về giá bán, Phó Thủ tướng khẳng định: Vấn đề không nằm ở chỗ đắt hay rẻ mà là phải công khai minh bạch về giá để khách hàng lựa chọn, có sự cạnh tranh lành mạnh. Không để xảy ra tình trạng người bán lợi dụng khách hàng để lấy tiền.
Với những mặt hàng do Nhà nước quản lý, các bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng các biện pháp điều hành giá theo lộ trình thị trường với mức độ và thời điểm phù hợp. Tinh thần là phải quản một cách chặt chẽ và điều hành theo đúng kịch bản.
Đảm bảo không để đứt gãy nguồn cung hàng hóa, đặc biệt đối với các mặt hàng như xăng dầu, điện, hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, cần chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, đánh giá kỹ tác động để xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường. Cùng với đó, theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược, chủ động trong công tác dự báo, thực hiện các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp; điều hành chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác; thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá và tăng cường, chủ động thực hiện công tác truyền thông chính sách.
LG