Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 5

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 5

Chiều 3/6 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cùng tham dự và trả lời một số câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo.

C:\Users\test\Desktop\Hop bao 2.jpg

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo. Ảnh: VGP

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Chính phủ đã tiến hành phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021. Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận các nội dung: Báo cáo về công tác phòng chống dịch COVID-19; tình hình kinh tế-xã hội tháng 5, 5 tháng và dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm, các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện NSNN tháng 5, 5 tháng và dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm, các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021; Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Không nói thiếu nguồn lực chống dịch COVID-19

Về công tác phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ thống nhất nhận định về tổng thể chúng ta đã kiểm soát được tình hình, mặc dù cục bộ có một số địa phương dịch diễn biến phức tạp, nhất là tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM.

Tuy nhiên, virus chủng mới có tốc độ lây nhiễm nhanh, nguy hiểm. Dự báo tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp, khả năng còn có các ca mắc mới, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và từng người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không bi quan, hốt hoảng mà phải bình tĩnh, chủ động sáng tạo, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, dập dịch. Tiếp tục nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, lấy người dân làm chủ thể phòng, chống dịch; thực hiện phương châm tổng tiến công toàn diện, tổng lực, thần tốc, mạnh mẽ hơn nữa với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021

Về tình hình KT-XH tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, Chính phủ thống nhất nhận định tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch lần này nghiêm trọng hơn những lần trước nhưng tình hình KT-XH tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 5 tháng tăng 1,29%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng tăng 9,9%. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và vốn đăng ký tăng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm chỉ đạo. An sinh xã hội, đời sống nhân dân cơ bản ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là: Dịch COVID-19 hết sức phức tạp và nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động KT-XH và việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, chưa phát huy tốt vai trò kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng và dẫn dắt đầu tư tư nhân. Giá xăng dầu và một số nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao, gây sức ép lớn đối với lạm phát và một số ngành, lĩnh vực. Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực dịch vụ, du lịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp tại các địa phương bùng phát dịch…

Từ phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN; đẩy mạnh tiết kiệm chi thường xuyên, sử dụng dự phòng hợp lý để dành nguồn phòng, chống dịch và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong bối cảnh giá thế giới tiếp tục xu hướng tăng, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước.

Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp, năng lượng lớn, trọng điểm; khẩn trương có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ quan trọng, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 bảo đảm an toàn, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.

Tăng cường kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Cương quyết xử lý các trường hợp cư trú bất hợp pháp.

Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại, nhất là các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh; chú trọng bảo hộ công dân, tài sản và lợi ích kinh tế của Việt Nam tại nước ngoài…

Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH. Kiểm soát chặt chẽ thông tin xấu độc trên mạng, ngăn chặn thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội.

C:\Users\test\Desktop\Thu truong Tai chinh Ta Anh Tuan.jpg

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn trả lời một số vấn đề liên quan đến Quỹ vắc-xin. Ảnh: VGP

Huy động nhiều nguồn lực cho Quỹ vắc-xin

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến Quỹ vắc-xin phòng covid-19, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết: Vấn đề tiêm vắc-xin để phòng chống dịch rất quan trọng, nguồn kinh phí để mua vaccine cũng như để tiêm vắc-xin rất lớn. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Y tế, chi phí mua và tiêm vắc-xin khoảng 25.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn phải tiêm nhắc lại hằng năm.

Chính vì vậy, quan điểm của Đảng và Nhà nước là chúng ta sẽ dùng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp thông qua xã hội hoá để mua và tiêm vắc-xin cho nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng covid-19. Ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng có quyết định thành lập Ban Quản lý Quỹ, cũng như có Thông tư hướng dẫn về cơ chế quản lý Quỹ đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng.

Liên quan đến huy động nguồn Quỹ, số dư của Quỹ hiện là gần 104 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã được các đơn vị tài trợ khoảng 1.000 tỷ đồng và sẽ chuyển vào Quỹ. Bộ Tài chính cũng đang tích cực làm việc với các đơn vị liên quan, như các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cam kết ủng hộ cho Quỹ hơn 2.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, từ FDI cũng như doanh nghiệp tư nhân và một số đơn vị ngoài các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rất hưởng ứng trong việc ủng hộ Quỹ vaccine.

Sắp tới đây, Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ khai trương và phát động các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ vắc-xin. Chúng tôi cũng đã làm việc với Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng như các bộ, ngành liên quan như Bộ TT&TT để ủng hộ Quỹ vắc-xin bằng nhiều hình thức đơn giản và thuận tiện nhất, góp phần cùng ngân sách Nhà nước đảm bảo đủ nguồn kinh phí để chúng ta mua vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19. Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết.

MT (T/h)

Cổng thông tin Bộ Tài chính