Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chi tiết tin Dự báo CPI cả năm 2022 ước khoảng 3,9%

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Chi tiết tin Dự báo CPI cả năm 2022 ước khoảng 3,9%

Chiều ngày 8/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì Hội nghị kết quả công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm 2022 và định hướng 6 tháng cuối năm 2022

Hiện CPI vẫn trong tầm kiểm soát. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới trải qua nhiều biến động khó lường và đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát tăng cao kỷ lục tại nhiều quốc gia và đang lan nhanh toàn cầu; Mỹ và nhiều nước tăng mạnh lãi suất, xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraina kéo dài đi cùng với các biện pháp trừng phạt thương mại gia tăng giữa các bên, chính sách zero Covid của Trung Quốc… làm tình trạng gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu kéo dài đẩy giá các mặt hàng năng lượng và vật tư chiến lược tăng cao và thế giới có nguy cơ phải đối diện với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì

Hội nghị công tác giá 6 tháng đầu năm 2022

Số liệu lạm phát tháng 6/2022 của nhiều nước mới công bố cho thấy xu hướng tiếp tục tăng hơn tháng trước hoặc duy trì ở mức cao trong đó lạm phát khu vực đồng Euro tăng 8,6%, Hàn Quốc tăng 6%, một số nước Đông Nam Á có lạm phát tăng cao như Lào tăng 23,6%, Thái Lan 7,66%, Philippines tăng 6,1%, Indonesia 4,35%…

Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách được ban hành kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 01/4/2022. Trong nước, kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng cơ bản tình hình lạm phát vẫn diễn biến trong tầm kiểm soát.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, từ cuối năm 2021 Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do Covid-19 năm 2022; Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay (Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021); có chính sách về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến (Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng

nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách như: Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg ngày 27/4/2022 về chính sách tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học dân lập, tư thục; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 đến năm 2023; giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn mức tăng 1,19% của 6 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020, lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm tăng 1,25%, tạo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4% do Quốc hội và Chính phủ đặt ra.

Yếu tố tác động mạnh đến chỉ số CPI

Những yếu tố tác động lên CPI trong 6 tháng đầu năm chủ yếu là giá xăng dầu, giá gas, dịch vụ ăn uống, vật liệu bảo dưỡng nhà ở, gạo. Trong đó, giá xăng dầu được điều chỉnh 16 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 11.960 đồng/lít; xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít và dầu diezen tăng 13.900 đồng/lít. Bình quân 6 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,87%. Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 6 tháng đầu năm tăng 25,92% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,38%. Dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,3%. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 6 tháng tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,16%. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 6 tháng đầu năm 2022 tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03%.

Tuy nhiên, giá các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 20,12%; giá nội tạng động vật giảm 9,52%; giá thịt chế biến giảm 3,89%. Giá bưu chính viễn thông giảm 0,55% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành đều cho rằng, nhờ có chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành nên CPI trong 6 tháng qua được kiểm soát tốt, công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu được chú trọng góp phần quan trọng trong bình ổn thị trường. Trong suốt 06 tháng đầu năm, mặc dù thị trường hàng hóa trong nước cũng chịu tác động của thị trường thế giới nhưng nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong những giai đoạn nhu cầu tăng mạnh như Tết Nguyên đán, giai đoạn mùa vụ sản xuất...

Tiếp tục điều hành giá một cách thận trọng và linh hoạt

Gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) cũng nhận định lạm phát năm 2022 của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát mục tiêu dưới 4%, cả năm khoảng 3,9%; Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức tăng lạm phát vừa phải so với mặt bằng chung khi CPI tháng 6/2022 tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước (số liệu cùng gốc so sánh).

Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, LPG, gas vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch…

Bên cạnh đó, theo đề xuất của Bộ giáo dục và Đào tạo đối với khung học phí năm học 2022-2023 giữ ổn định như năm học 2021-2022 và điều chỉnh học phí đối với giáo dục đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên không quá 15%/năm, dự kiến nhóm dịch vụ giáo dục sẽ làm CPI năm 2022 tăng khoảng 0,14-0,16 điểm phần trăm. Giá sách giáo khoa tăng sẽ tác động làm cho CPI bình quân cả nước năm 2022 tăng khoảng 0,05 điểm phần trăm.

Ngoài ra, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc nhóm dịch vụ sự nghiệp công thực hiện lộ trình thị trường theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, hiện còn chi phí quản lý và chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí khác chưa được kết cấu trong giá dịch vụ.

Trong nửa cuối năm, khi các gói trong Chương trình phục hồi của Chính phủ được triển khai quyết liệt, bên cạnh việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tốt hơn thì ít nhiều cũng sẽ gây áp lực tới việc kiểm soát lạm phát do tổng cầu phục hồi tốt hơn, nhu cầu chi tiêu, du lịch của người dân tăng lên sau một thời gian dài bị hạn chế bởi đại dịch Covid-19. Chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục. Rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thời tiết bất lợi trong năm có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 6 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,71% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian còn lại của năm 2022 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022 theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao cũng như tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023.

Ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung-cầu thị trường, đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp. Đối với các nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi cần thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu. Đồng thời chủ động chuẩn bị các biện pháp bình ổn giá các mặt hàng theo quy định của pháp luật trong trường hợp có biến động bất thường, không để xảy ra các trường hợp tăng giá bất hợp lý.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong nửa cuối năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp Chính phủ tại các văn bản thông báo về công tác điều hành giá năm 2022. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 trong khoảng 2-2,5% để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới và các chính sách ứng phó của các nước, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chuyên môn.

Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản cụ thể, chi tiết, sát với tình hình thực tế.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có biện pháp bình ổn giá phù hợp; cần chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định khi hàng hóa có biến động bất thường.

Đối với việc quản lý giá các mặt hàng cụ thể (nhất là các mặt hàng đang có biến động như xăng dầu, cước phí vận tải, vật liệu xây dựng, vật tư và sản phẩm nông nghiệp, giá dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục, y tế), các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng và đặc biệt là phải chú trọng công tác chống buôn lậu xăng dầu khi giá dầu trong nước hiện đang thấp hơn một số nước trong khu vực…

Mộc Lan


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính