Skip Ribbon Commands
Skip to main content

“Cần tính toán sớm việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu để tránh bị động khi triển khai chính sách”

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
“Cần tính toán sớm việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu để tránh bị động khi triển khai chính sách”

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trong cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá để đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 và định hướng năm 2024 vừa diễn ra trong chiều ngày 23/1.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái biểu dương các Bộ, ngành đã triển khai tốt

công tác điều hành giá năm 2023

Triển khai hiệu quả các giải pháp ứng phó lạm phát

Báo cáo kết quả công tác quản lý, điều hành giá năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, do Chính phủ đã chủ động chỉ đạo ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất đã giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; cùng với các chính sách vĩ mô khác giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý được điều chỉnh theo lộ trình nhưng với mức độ ít, mang tính kiềm chế và tập trung vào cuối năm nên về tổng thể tác động không lớn đến chỉ số giá tiêu dùng năm 2023.

“Công tác quản lý điều hành giá được thực hiện chủ động, điều hành giá mặt hàng nhà nước quản lý thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa an toàn cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2023, các quý tiếp theo thực hiện linh hoạt theo diễn biến CPI với mức độ và liều lượng phù hợp, điều hành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến giá thế giới. Chỉ số CPI bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra. Kết quả này thể hiện công tác điều hành giá sát, đúng với tình hình thực tế và đạt mục tiêu đề ra” – Thứ trưởng Lê Tấn Cận nêu rõ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, trong năm 2023, các mặt hàng do

Nhà nước định giá được điều chỉnh với mức độ kiềm chế

Giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục sẽ điều chỉnh

Đề xuất các giải pháp điều hành giá trong năm 2024, Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho rằng, việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét, điều này cũng gây áp lực lên điều hành giá. Trên cơ sở đó, Nhóm giúp việc xây dựng 3 kịch bản lạm phát từ 3,52-4,5%. Một số dự báo của các cơ quan chuyên môn độc lập cũng dự báo CPI bình quân năm 2024 xoay quanh mức 3,5-4,5%.

Đồng tình với ý kiến của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, cần đặc biệt chú ý điều hành giá lương thực, thóc gạo trong nước do ảnh hưởng bởi xuất khẩu, dự báo sẽ neo ở mức cao. Đồng thời, việc tăng lương ảnh hưởng tâm lý tăng giá; giá nguyên liệu trên thị trường dự báo tăng ảnh hưởng tới trong nước.

Đồng thời, đại diện Bộ Công Thương kiến nghị xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện. Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều hành phương án giá điện theo đúng quy định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với

Bộ Tài chính thực hiện điều hành giá xăng dầu

Còn theo đại diện Bộ Y tế, trong năm 2024 dự kiến sẽ đưa chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý vào giá khám chữa bệnh. Chi phí khấu hao sẽ tính đủ từ năm 2025 trở đi. Việc chưa tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, trong khi nhiều bệnh viện đã tự chủ, làm ảnh hưởng tới hoạt động của bệnh viện. Việc tính đúng, tính đủ các chi phí vào giá khám chữa bệnh cần được các cơ quan quản lý đánh giá kỹ tác động trước khi trình Ban Chỉ đạo.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trong ba năm qua, dịch vụ giáo dục không tăng, đặc biệt giáo dục đại học không tăng giá gây hệ lụy lớn, trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá. Việc kéo dài thời gian không tăng giá học phí sẽ gây khó cho các trường cũng như ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.

Tiếp tục chủ động và linh hoạt trong công tác điều hành giá

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, triển khai các giải pháp để kiểm soát lạm phát trong năm 2023 và đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ ngành phải chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công thiết yếu, quan trọng theo lộ trình thị trường, đặc biệt là giá dịch vụ y tế, giáo dục, mặt hàng xăng dầu.

Toàn cảnh

“Việc tính toán, sớm chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để tránh bị động trong triển khai chính sách; thời điểm điều chỉnh cần tính toán phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan cần linh hoạt trong quản lý, điều hành để đảo đảm cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, không được để đứt gẫy nguồn cung; kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả trước các diễn biến bất thường trong cung ứng hàng hóa. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Cùng với đó, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành kịp thời xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật giá (sửa đổi) sẽ có hiệu lực vào ngày 01/7/2024, không để xảy ra khoảng trống pháp lý trong quản lý, điều hành giá.

Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin chính xác, chính thống, kịp thời về tình hình giá cả các mặt hàng trong phạm vi quản lý để kịp thời truyền tải đến người dân và kiểm soát lạm phát kỳ vọng./.

Kim Chung


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính