Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cải cách quản lý tài chính công đạt kết quả tích cực nhờ thực hiện các khuyến nghị

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Cải cách quản lý tài chính công đạt kết quả tích cực nhờ thực hiện các khuyến nghị

Ngày 18/11, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng và Bà Steffi Stallmeister - Giám đốc quản lý danh mục, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị Tổng kết tình hình thực hiện các khuyến nghị Báo cáo đánh giá chi tiêu công Việt Nam. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại 32 điểm cầu.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện Ngân hàng thế giới, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Bộ Các vấn đề Toàn cầu của Canada (GAC), đại diện một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Quang cảnh Hội nghị

Trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ tư vấn và phân tích quản lý tài chính công tại Việt Nam (Chương trình AAA) do Chính phủ Thụy Sĩ (SECO) và Chính phủ Canada tài trợ, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện các khuyến nghị Báo cáo đánh giá chi tiêu công Việt Nam năm 2014 nhằm đánh giá kết quả đạt được trong cải cách quản lý tài chính công, hạn chế và vướng mắc phát sinh cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết hướng tới việc huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả tổng thể các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Võ Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đánh giá chi tiêu công là một nội dung quan trọng của công tác quản lý tài chính công. Bên cạnh việc nhìn nhận những kết quả đạt được, việc đánh giá cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức đối với công tác quản lý tài chính công. Đồng thời chỉ ra xu hướng thay đổi trong cơ cấu chi ngân sách tổng thể, cũng như trong một số lĩnh vực cụ thể. Từ đó đưa ra các khuyến nghị cần thiết để hỗ trợ việc hoạch định chính sách phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực ngân sách một cách tích cực và hiệu quả hơn, đóng góp tốt hơn vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu khai mạc Hội nghị

Báo cáo Đánh giá chi tiêu công năm 2014 là lần thứ 4 Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với các Bộ Kế hoạch và đầu tư, Giáo dục và đào tạo, Y tế, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Lao động, Thương binh và xã hội, Nội vụ, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Quốc hội và 5 địa phương (Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ) cùng với Ngân hàng thế giới xây dựng.

Báo cáo đánh giá chi tiêu công được xây dựng với 3 nhóm nội dung chính, gồm: Đánh giá tổng quan về chi tiêu công; Đánh giá chi tiêu công cho 05 lĩnh vực quan trọng: Giao thông, nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ; Đánh giá chi tiêu công của 05 tỉnh, thành phố nêu trên, đại diện cho các vùng miền trong cả nước.

Thông qua việc phân tích, đánh giá với phương pháp thực sự khoa học từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, báo cáo đã chỉ ra những thành tựu của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm 2004-2014, trong đó đáng kể nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng tài chính - tiền tệ những năm 2009-2011, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng thu ở mức hợp lý thông qua việc cơ cấu lại thu ngân sách, thực hiện điều chỉnh chính sách quản lý thuế nhằm đơn giản hóa, tăng minh bạch và chống thất thu về thuế. Chi NSNN được cơ cấu lại theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, tiết kiệm chi thường xuyên, đảm bảo an sinh xã hội và từng bước đổi mới quản lý chi tiêu công theo hướng tăng cường tự chủ tài chính, nâng cao hiệu quả, hiệu suất chi tiêu.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trên con đường phát triển. Vì vậy, Báo cáo đã đưa ra 68 khuyến nghị nhằm giúp Chính phủ, các Bộ, ngành và cấp chính quyền địa phương cân nhắc, lựa chọn những ưu tiên trong cải cách quản lý tài chính công để đem lại hiệu quả cao hơn. Sau khi báo cáo hoàn thành và công bố năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, hướng dẫn và phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có liên quan tổ chức nghiên cứu và triển khai thực hiện các khuyến nghị, định kỳ báo cáo tình hình, kết quả về Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Từ đó đến nay, nhiều khuyến nghị của Báo cáo đã được pháp luật hóa và đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực.

Bà Steffi Stallmeister - Giám đốc quản lý danh mục, Ngân hàng Thế giới
tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Thông tin về kết quả thực hiện các khuyến nghị tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện, có 96% khuyển nghị được áp dụng trong thực tiễn, trong đó 62% khuyến nghị đã hoàn thành, đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Chỉ còn rất ít khuyến nghị (4%) vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để áp dụng, đảm bảo phù hợp với điều kiện chính trị - kinh tế của Việt Nam.

Đáng chú ý là từ nhu cầu thực tiễn kết hợp với kiến nghị chính sách của Báo cáo, Bộ Tài chính đã trình cấp cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều luật quan trọng như: Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, TTĐB và Luật Quản lý thuế; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, Luật Quản lý nợ công 2017, Luật Quản lý thuế 2019, Luật chứng khoán 2019, Luật Đầu tư công sửa đổi, bổ sung 2019, Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi, bổ sung năm 2019... Điều đó đã góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Bên cạnh đó, các thông lệ quốc tế tốt về quản lý chi tiêu công (kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm cuốn chiếu) cũng được áp dụng; phạm vi ngân sách được xác định đầy đủ, toàn diện hơn; bội chi ngân sách đã tiếp cận với thông lệ quốc tế; công tác công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đi đôi với tăng cường tự chủ của các địa phương và các đơn vị sử dụng ngân sách được củng cố, tăng cường; tăng cường hệ thống thông tin quản lý tài chính - ngân sách và đầu tư công đảm bảo chính xác, kịp thời, đáp ứng nhu cầu quản lý và nâng cao minh bạch, đảm bảo các cơ sở dữ liệu liên kết, tích hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương…

Ông Nguyễn Minh Tân Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước
báo cáo tổng kết tình hình thực hiện các khuyến nghị

Đáng lưu ý, nhiều khuyến nghị của Báo cáo vẫn còn giá trị thực tiễn cao, phù hợp với thực tế hiện nay. Các khuyến nghị của Báo cáo đánh giá chi tiêu công cơ bản đã được triển khai thực hiện đầy đủ, đạt kết quả tích cực, đáp ứng được yêu cầu, thực tiễn công tác quản lý tài chính - NSNN những năm qua và cả trong thời gian tới. Chẳng hạn như, trong năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế và đời sống người dân, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất điều chỉnh chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ phục hồi kinh tế, đưa ra giải pháp hữu hiệu bổ sung nguồn lực cần thiết để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân… Đây cũng là các nội dung thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo đánh giá chi tiêu công Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Steffi Stallmeister - Giám đốc quản lý danh mục, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nêu khuyến nghị rằng, trước bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ có thể cân nhắc một chính sách tài khóa mở rộng hơn. Trước khi tăng chi, Việt Nam cần cải thiện chất lượng và hiệu suất đầu tư công để các chính sách tài khóa đem lại tác động tích cực hơn cho phục hồi kinh tế. Bà Steffi Stallmeister cũng cho rằng, dịch bệnh Covid-19 là động lực để đẩy nhanh các tiến trình cải cách. Sự chuyển đổi như vậy không chỉ cần thiết để phục hồi cả về mặt xã hội và kinh tế, mà còn để đạt được mục tiêu của chính phủ là trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, điều này không thể thực hiện được nếu không có cải cách thể chế và thực thi hiệu quả các chính sách. Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan cả về mặt tài chính và kỹ thuật để hiện thực hóa mục tiêu này.

Một số đại biểu trình bày tham luận qua hình thức trực tuyến

Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu đến từ Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới cùng nhau trao đổi, thảo luận về các nội dung: Kết quả thực hiện quản lý nợ công và rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng giai đoạn 2016-2020; những điểm cần lưu ý về quản lý nợ công giai đoạn 2021-2025; Tác động của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam và các hoạt động tài khóa; tác động của dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực y tế, giáo dục và các giải pháp ứng phó; đổi mới cơ chế phân cấp, quản lý đầu tư công, gắn với tăng cường hiệu suất, hiệu quả đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quản lý đầu tư công trong lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của ngành, lĩnh vực…

Tin và ảnh: Tuệ Anh​


Công thông tin điên tử Bộ Tài chính