Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn nhiều nội dung thuộc lĩnh vực Tài chính

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn nhiều nội dung thuộc lĩnh vực Tài chính

Sáng ngày 18/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với 4 nhóm vấn đề.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là người đầu tiên trả lời chất vấn trong phiên họp sáng nay về các nhóm vấn đề: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính và việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Nghiêm cấm chèo kéo, dùng thủ đoạn để bán bảo hiểm

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) về việc chèo kéo trong bán hợp đồng bảo hiểm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, các hành vi chèo kéo trong bán bảo hiểm là hành vi của các nhân viên bảo hiểm, công ty bảo hiểm. Về mặt quản lý, Luật nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm.

Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh, chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý. Về hợp đồng kéo dài, trước đây, có những hợp đồng kéo dài hàng chục trang, gây sơ hở trong nắm bắt thông tin, gây thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm.

Tuy nhiên, khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cơ quan soạn thảo đã dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời cũng có quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm.

Trả lời đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng), Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại đã được quy định rõ trong Luật Bảo hiểm năm 2023. Đối với việc thực hiện bồi thường thiệt hại chậm hoặc cố tình có kéo, gây ra tranh chấp hiện có hai kênh giải quyết. Đó là gọi đến Cục QLGS bảo hiểm (Bộ Tài chính) sẽ có trách nhiệm giải quyết trong phạm vi phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; Nếu có dấu hiệu lừa đảo hình sự sẽ được xử lý qua bộ phận điều tra hình sự.

Về phía Bộ Tài chính đã chỉ đạo các công ty bảo hiểm thực hiện vấn đề này một cách nghiêm túc; công ty bảo hiểm nào dây dưa, không trả bảo hiểm thì Cục Quản lý bảo hiểm của Bộ Tài chính sẽ tổ chức thanh tra kiểm tra và giải quyết khiếu nại theo quy định.

Về bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay trên thị trường có 19 công ty bảo hiểm và chỉ có 2 công ty bảo hiểm trong nước và 17 công ty bảo hiểm liên doanh và nước ngoài. Việc hoạt động chủ yếu do đại lý và nhân viên ở trong nước thực hiện. Việc liên kết bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng có thể là hành vi của nhân viên ngân hàng chứ chưa chắc đã phải của các chủ tịch, giám đốc các ngân hàng thương mại chỉ đạo. Ngoài ra, có thể là liên kết giữa ngân hàng hợp đồng với các công ty bảo hiểm để hưởng chi phí dịch vụ, nhưng trong quá trình thực hiện có sự lệch lạc, thiếu thanh tra, kiểm tra, định hướng, quản lý dẫn đến nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Vì vậy, Bộ Tài chính đã xây dựng quy trình, phối hợp thanh tra, kiểm tra để để đảm bảo sự đúng đắn trong hoạt động bảo hiểm.

Về câu hỏi của ĐBQH liên quan đến việc tư vấn không rõ ràng trong quá trình mua bán bảo hiểm, Bộ trưởng khẳng định, nguyên nhân chủ yếu người tư vấn không tư vấn rõ ràng cho người dân. Tuy nhiên, trách nhiệm gián tiếp của Bộ Tài chính là cơ quan cấp phép và kiểm tra các công ty bảo hiểm, Bộ có tiến hành kiểm tra quy chế nội bộ, văn hóa ứng xử trong các công ty như thế nào?. Nếu nhận khiếu nại, tố cáo của người dân, Bộ sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra trong công tác quản lý cán bộ. Đối với chương trình đào tạo, Bộ trưởng khẳng định quy trình này cũng luôn được đổi mới theo đúng quy định của pháp luật.

Siết chặt quản lý hoạt động công ty kiểm toán

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu vấn đề, cả nước ta hiện nay có 200 doanh nghiệp kiểm toán độc lập. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán tốt, tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp bỏ qua sai sót, tiêu cực đối với đối tượng kiểm toán vì lợi ích riêng, dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước, bao che tiêu cực như ở đại án SCB có đến 3 doanh nghiệp kiểm toán lớn sai phạm.

Trả lời Đại biểu về giải pháp để phòng ngừa, răn đe giải quyết tình trạng trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, vừa qua có hiện tượng sai phạm trong kiểm toán độc lập ở một số các vụ án hình sự. Điều này liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm: năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán, tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp, không loại trừ trường hợp cấu kết cố tình vi phạm pháp luật để làm sai.

Về công tác kiểm toán, Bộ Tài chính đã thực hiện các chỉ đạo của Đảng, siết chặt từ khâu đào tạo, thi cấp chứng nhận kiểm toán viên, đặt ra các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật, được tổ chức thi, đào tạo một cách nghiêm túc. Thường mỗi năm tỉ lệ đậu chỉ đạt cao nhất 30%, hiện các chuẩn mực và phương pháp kiểm toán đã được ban hành. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động của các công ty kiểm toán, xử lý nghiêm các sai phạm. Hiện, cả nước có 221 công ty kiểm toán, 2363 kiểm toán viên, so với các quốc gia tỉ lệ này thấp, sẽ chú trọng chất lượng. Còn những sai phạm của kiểm toán có thể do nể nang, năng lực yếu, cấu kết thì sẽ tăng cường đào tạo nâng cao đạo đức nghề nghiệp.

Xử lý nghiêm trường hợp cố tình làm sai giá

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) nêu vấn đề các công ty thẩm định giá không những có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế mà trong các vụ án sai phạm vừa qua, vai trò của công ty thẩm định giá cũng rất quan trọng, có trách nhiệm, hoặc thậm chí là tiếp tay trong việc dìm giá hoặc nâng giá.

Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cả nước chỉ có mấy trăm công ty về thẩm định giá, hơn nữa Bộ Tài chính cũng quản lý rất chặt chẽ quy trình thi chứng chỉ đối với thẩm định viên; những sai phạm trong thời gian qua chủ yếu do thẩm định viên cố tình làm sai.

Bộ trưởng lấy ví dụ về giá đất, áp dụng theo phương pháp thặng dư nếu điều tra thì việc thẩm định giá đều sai, bởi tài sản hình thành trong tương lai phải trải qua nhiều bước như lập, phê duyệt thiết kế, lập dự toán nhưng đến khi cơ quan kiểm toán, kiểm tra thì đều chưa đúng quy định. Do vậy, nguyên nhân một phần do quy định của pháp luật, nhưng cũng có một phần nguyên nhân từ cán bộ cố tình làm sai; nếu làm sai thì cần xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự.

Cần đánh giá đúng mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp

Trả lời câu hỏi chất vấn của ĐBQH về xếp hạng tín nhiệm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hoạt động xếp hạng tín nhiệm, cấp phép cho hoạt động xếp hạng tín nhiệm là rất quan trọng đối với nền kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế. Khi có nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm, nhiều doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm, sẽ tạo nên sự tin tưởng từ các doanh nghiệp nước ngoài, thu hút được nguồn vốn FDI đối với thị trường tài chính Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta mới có 3 tổ chức được xếp hạng tín nhiệm, trong đó có 2 tổ chức có cổ phần của 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng của thế giới. Bộ Tài chính khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đảm bảo đủ các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận, giấy phép để thành công ty xếp hạng tín nhiệm. Các công ty này đóng vai trò như trọng tâm, phải đánh giá một cách đúng đắn, kỹ lưỡng, khách quan, chính xác, tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực để đánh giá đúng mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp, đặc biệt khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục quan tâm đôn đốc, triển khai công việc trong vấn đề này.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Quản lý hoạt động đặt cược, trò chơi có thưởng

Trong phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời câu hỏi của các ĐBQH về việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino. Theo đó, hiện nay cả nước có 9 casino. Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, có 2 casino đang được xây dựng và xin chủ trương. Từ 2017 đến 2023, Casino đóng góp ngân sách khoảng 9 nghìn tỷ, giải quyết gần 10 ngàn lao động. Tỷ lệ người Việt vào chơi casino thấp dần theo từng năm.

Trả lời về đặt cược và trò chơi điện tử, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, ở nước ta có 93 trò chơi điện tử được đặt ở các khách sạn 5 sao, tuy nhiên điều kiện để được đặt ở đó là doanh nghiệp phải có vốn 500 tỷ đồng trở lên, phải có hệ thống thiết bị điện tử, đội ngũ chuyên nghiệp để giám sát. Các trò chơi đó chỉ áp dụng với người nước ngoài. Hệ thống này đã hỗ trợ các khách sạn 5 sao, giúp đạt được kết quả kinh doanh cũng như giải quyết vấn đề lao động.

Về đặt cược, hiện có các loại hình đặt cược về bóng đá, đua ngựa, đua chó, tuy nhiên đến nay chưa triển khai được. Khi thực hiện loại hình đặt cược về bóng đá, Bộ tiến hành xây dựng quy định để tổ chức đấu thầu, gặp vướng mắc với Luật Đấu thầu. Vừa qua, khi sửa Luật Đấu thầu, chúng ta đã đưa được quy định về vấn đề này, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để triển khai đặt cược bóng đá. Đối với đua ngựa, đua chó, chủ đầu tư cần xây dựng hệ thống chuồng đua chuẩn, có các thiết bị, nhân công chuyên nghiệp, đảm bảo để triển khai. Đây là loại hình mới, Bộ đang tích cực nghiên cứu, triển khai đồng thời ngăn ngừa rủi ro ở hình thức này.

Đối với các hình thức này, khi cấp phép đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình với Chính phủ, để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chủ trương đầu tư, nhưng khi hoàn thành cơ sở vật chất để đạt được các điều kiện cấp phép đặt cược thì lại có trách nhiệm của Bộ Tài chính. Bộ sẽ tích cực triển khai tháo gỡ vấn đề này.

Cần quản lý từ sớm Quỹ hưu trí tự nguyện

Cũng tại phiên chất vấn sáng nay, trả lời ĐBQH về Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, Bộ trưởng cho biết, hiện có 4 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 10 quỹ đang hoạt động, hiện Bộ Tài chính đang nhận được một số bộ hồ sơ xin cấp Quỹ hưu trí tự nguyện. Bộ trưởng đồng tình quan điểm của đại biểu, cần xác định được mức độ rủi ro (thời gian 99 năm) nếu doanh nghiệp hoặc quỹ bị phá sản sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định cần quản lý từ sớm, từ xa, đặc biệt là quản lý rủi ro trong dài hạn. Bởi đối với thị trường này, thời gian tối đa 99 năm nên sẽ có rủi do khi doanh nghiệp và quỹ không bảo toàn được vì vậy, Bộ Tài chính rất thận trọng vấn đề này. Đối với 4 doanh nghiệp tham gia quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện, có 2 doanh nghiệp có nhà nước tham gia liên doanh.

Tham gia Quỹ hưu trí này chủ yếu là cán bộ, người lao động trong hệ thống tham gia (trên 5 nghìn người). Còn về phía cán bộ bên ngoài và nhân dân chưa nhiều vì vậy với loại hình Quỹ này một mặt khuyến khích, một mặt giám sát để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia Quỹ hưu trí.

Áp dụng công nghệ để hạn chế gian lận thương mại

Đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng lợi dụng thời gian thông quan nhanh cho tờ khai luồng xanh để buôn lậu, gian lận thương mại.

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đối với luồng xanh, chúng ta thực hiện gần như thông quan tự động, các hồ sơ được chuyển theo dạng điện tử, hàng hóa không bị kiểm tra, nên tốc độ thông quan rất nhanh. Điều này thể hiện chúng ta đang đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện thông quan cho các doanh nghiệp. Nhưng cũng không thể loại trừ các trường hợp doanh nghiệp lợi dụng luồng xanh để đưa hàng hóa không đúng quy định vào đất nước.

Bộ Tài chính đã áp dụng khoa học công nghệ trong xác định luồng hàng, sử dụng hệ thống camera, lực lượng tình báo tài chính, phân tích dữ liệu để hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng luồng xanh để đưa hàng không đúng quy định vào nước ta.

Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua ngành hải quan đã nỗ lực thực hiện chống buôn lậu và gian lận thương mại. Năm qua đã bắt được trên 15.000 vụ và xử lý với giá trị khoảng 12.000 tỉ, trực tiếp khởi tố 48 vụ và chuyển cơ quan điểm tra gần 200 vụ. Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp kiểm tra giám sát, thông tin tình báo từ sớm, từ xa. Sử dụng hệ thống máy soi, phân tích dữ liệu… phát hiện từ sớm và xử lý. Đồng thời tăng cường phối hợp với cơ quan biên phòng, cơ quan công an để trao đổi thông tin và phối hợp xử lý, bắt giữ và lập các chuyên án để xử lý nghiêm minh vi phạm.

Tuệ Anh​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính