Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp gỡ khó cho DN ứng phó với dịch Covid 19

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp gỡ khó cho DN ứng phó với dịch Covid 19

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra vào sáng ngày 9/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19 phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đề xuất về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.

image

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN

Ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến tình hình thực tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như khuyến nghị của các tổ chức quốc tế (WB, IMF,...), khả năng của ngân sách để trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh, thuế thu nhập doanh nghiệp) và tiền thuê đất cho hầu hết các đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế có công văn số 1563/TCT-KK ngày 20/4/2020 hướng dẫn Cục Thuế các địa phương về việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.

Bộ Tài chính đã chủ động, chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát để ban hành theo thẩm quyền (hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) và đã ban hành các văn bản miễn, giảm thuế, phí, lệ phí...

Bộ Tài chính cũng tiếp tục có công văn đôn đốc các Bộ đề xuất miễn, giảm phí, lệ phí. Đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được văn bản của 18 Bộ, trong đó có 15/18 Bộ đề xuất giảm các khoản phí, lệ phí đến hết năm 2020. Ngay khi nhận được đề xuất của các Bộ, Bộ Tài chính đã xây dựng 19 dự thảo Thông tư quy định miễn, giảm phí, lệ phí và gửi xin ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đến nay đã ban hành được 08 Thông tư và sẽ tiếp tục hoàn thiện, ban hành các Thông tư khác cơ bản trong tuần tới.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, vào đầu tháng 5/2020 Bộ Tài chính đã tích hợp 93 thủ tục hành chính thuế.

Tập trung thực hiện 10 giải pháp trong thời gian tới

Trước áp lực lớn đến cân đối ngân sách, bội chi ngân sách và nợ công năm 2020 trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Về thu ngân sách giảm lớn do chịu tác động bởi 04 yếu tố chính đó là: Tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn mục tiêu; Giá dầu thô giảm sâu; Điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp chậm so với kế hoạch.

Về chi ngân sách, phải tăng chi cho các hoạt động phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn xã hội đồng thời, vẫn phải đáp ứng đủ nguồn lực cho chi đầu tư phát triển để góp phần duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Do vậy, việc điều hành cân đối ngân sách đang là thách thức lớn và là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn của Chính phủ, các cấp, các ngành trong năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời nắm bắt được các cơ hội phát triển, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục bám sát các nội dung về thuế đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm được ban hành và tổ chức triển khai thực hiện tốt ngay sau khi được ban hành.

Thứ hai, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 134/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đã đề xuất giảm thuế 24 nhóm mặt hàng; miễn thuế toàn bộ nguyên liệu, linh kiện, vật tư để sản xuất các ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô; để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra các quy định tại dự thảo đã tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, thủy sản…

Thứ ba, Bộ Tài chính sẽ sớm trình Chính phủ việc giảm tiền thuê đất cho các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thứ tư, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã ban hành để doanh nghiệp, người dân nhanh chóng được hưởng hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi nhất, đồng thời tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế, nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể để đề xuất giải pháp về thuế, phí và lệ phí phù hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thứ sáu, giảm tiền chậm nộp đối với các doanh nghiệp sản xuất, trực tiếp nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định bị cơ quan hải quan ấn định thuế giá trị gia tăng.

Thứ bảy, xem xét thực hiện gia hạn thời hạn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; chấp nhận C/O sử dụng chữ ký, con dấu điện tử hoặc bản chụp/bản scan C/O để nộp cơ quan hải quan để tháo gỡ kịp thời khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Thứ tám, nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán như: lùi thời hạn tổ chức Đại hội cổ đông thêm 03 tháng (đến trước ngày 30/9), giảm thời hạn công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ (từ 7 ngày xuống còn 01-02 ngày); cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nếu đủ điều kiện được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thứ chín, Bộ Tài chính sẽ phối hợp sát sao với các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Thứ mười, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng hợp các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực thuế, phí, lệ phí và các giải pháp tài chính khác để nghiên cứu, đề xuất giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

T.N​


Bộ Tài chính