Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ Tài chính và các địa phương tìm giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Bộ Tài chính và các địa phương tìm giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA

Sáng nay (14.10), Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng năm 2020. Tại Hội nghị, các địa phương có tiến độ giải ngân cao trong tháng 9 và một số địa phương còn nhiều vướng mắc đã chia sẻ một số bài học kinh nghiệm nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài.

Tỷ lệ giải ngân của địa phương đã có cải thiện

Báo cáo tại Hội nghị, bà Nguyễn Xuân Thảo – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, số các địa phương đã phân bổ và nhập Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) tính đến ngày 30/9 đạt 97% dự toán, tăng 6,6% so với một tháng trước đó. Trong số dự toán trên, số dự toán các địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách Trung ương tính đến ngày 30/9 chiếm 11,73% dự toán. Về nguồn vốn Trung ương cho vay lại cho địa phương, các địa phương đã phân bổ vào hệ thống Tabmis tính đến ngày 30/9/2020 đạt 75,3% dự toán, tăng 1,2% so với thời điểm 31/8.

image

Toàn cảnh Hội nghị

Tính tới hết tháng 9, lũy kế số giải ngân nguồn Trung ương hỗ trợ cho địa phương là 11.033 tỷ đồng. Đối với nguồn Trung ương cho vay lại, tính đến ngày 30/9, các địa phương đã giải ngân được 8.774 tỷ đồng. Như vậy, tính chung trong 9 tháng, các địa phương trên cả nước đã giải ngân hơn 19.700 tỷ đồng vốn năm 2020, đạt 30,4% dự toán được giao.

image

Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại

Đánh giá về kết quả này, ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng, tỷ lệ giải ngân tháng 9 dù đã có cải thiện đáng kể (tăng thêm 8%) so với tháng 8/2020, nhưng tổng giải ngân 9 tháng đầu năm vẫn thấp so với dự toán 2020. Nếu so với dự toán giảm trừ do các địa phương trả lại dự toán, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương đạt 32,43% trong khi thời gian giải ngân dự toán 2020 còn lại là 4 tháng. Do vậy, nhiệm vụ từ nay tới cuối năm của các địa phương là khá nặng nề.

Cần cân nhắc việc xin điều chỉnh giảm vốn

Tại Hội nghị, 16 địa phương đã tham gia phát biểu ý kiến đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân trong những tháng cuối năm. Theo đó, các địa phương có tiến độ giải ngân cao trong tháng 9 và một số địa phương còn nhiều vướng mắc đã nêu một số bài học kinh nghiệm giải ngân; đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ ngành liên quan có giải pháp điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho các dự án vốn vay; tiếp tục đàm phán với các định chế tài chính và tổ chức tín dụng quốc tế để nguồn vốn không giải ngân được trong năm 2020 vì lý do khách quan của đại dịch Covid-19 hay thủ tục ký kết hợp đồng thì được chuyển sang nguồn cho năm 2021…

image

Ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc xin điều chỉnh dự án phải tiến hành qua rất nhiều thủ tục. Tuy nhiên, tại thời điểm này các địa phương mới gửi công văn xin ý kiến các Bộ, ngành để điều chỉnh dự án là khá muộn. Điều đó cũng cho thấy công tác chuẩn bị dự án có vấn đề, chất lượng dự án chưa cao. Ông Cường cũng cho biết thêm, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân loại 13 nhóm dự án có thủ tục phải điều chỉnh để xem xét các nhóm dự án nào có thể rút ngắn thời gian phê duyệt điều chỉnh, dự án nào cần phải thực hiện theo đúng quy trình.

Liên quan tới các kiến nghị xin điều chỉnh giảm vốn của các địa phương, tại Hội nghị, đại diện Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều cho rằng, các địa phương cần phải cân nhắc kĩ bởi nếu điều chỉnh giảm vốn giai đoạn này sẽ gây áp lực cho giai đoạn tới và dư địa có dự án mới sẽ bị hẹp lại. Bên cạnh đó, các địa phương kéo dài thời gian giải ngân sẽ khiến áp lực trả nợ tăng lên. Từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 3 tháng nhưng còn phải giải ngân 2/3 số vốn còn lại. Với số vốn còn lại của năm 2020, các địa phương cần phải cố gắng thực hiện, tránh tình trạng tiếp tục xin điều chỉnh giảm vốn.

Bám sát thực tế, tháo gỡ khó khăn cho địa phương

Phát biểu kết thúc Hội nghị, ông Trương Hùng Long cho biết, trong những tháng còn lại của năm 2020, nếu các địa phương không có biện pháp quyết liệt khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao. Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát và làm việc cụ thể với các địa phương và các ban quản lý dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn để thúc đẩy việc giải ngân từ các tài khoản đặc biệt này. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ trao đổi với các đối tác phát triển để tiếp tục tạo thuận lợi cho phương thức thanh toán trực tiếp, xử lý nhanh các đơn rút vốn đủ điều kiện thanh toán của các dự án, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để ký Hợp đồng cho vay lại.

“Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ bám sát tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn của địa phương trong thẩm quyền của các bộ, ngành. Bộ Tài chính mong các địa phương tiếp tục đôn đốc công tác triển khai các dự án, đồng thời tiếp tục kết nối, chia sẻ thông tin của địa phương cho cơ quan trung ương trong quá trình thực hiện để các bên cùng nhau tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao” – Ông Long nói.

T.N​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính