Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý 1/2023

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý 1/2023

Chiều 30/3, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2023. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi - Người phát ngôn của Bộ Tài chính chủ trì cuộc họp. Tham dự buổi họp báo còn có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi - Người phát ngôn của Bộ Tài chính chủ trì cuộc họp.

Thu NSNN đạt hơn 491 nghìn tỷ đồng

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, mặc dù thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng trong Quý I/2023, ngành Tài chính đã chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Nhờ đó, Bộ Tài chính đạt nhiều kết quả khả quan trong triển khai nhiệm vụ chính trị của Ngành. Thứ trưởng bày tỏ cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, các cơ quan thông tấn, báo chí đối với Bộ Tài chính trong thời gian qua. Thứ trưởng mong muốn các cơ quan báo chí, tuyên truyền tiếp tục đồng hành, hỗ trợ ngành Tài chính, truyền tải thông tin về tài chính - ngân sách nhà nước đến với người dân, doanh nghiệp; đồng thời, phản hồi thông tin để ngành Tài chính có những giải pháp ứng phó linh hoạt với tình hình thực tế.

Báo cáo Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thu ngân sách nhà nước quý I/2023 ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán và tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa đạt 411,8 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Thu từ dầu thô đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, bằng 36,9% dự toán và giảm 11,4%. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 64,2 nghìn tỷ đồng, bằng 26,9% và giảm 16,4%.

Toàn cảnh buổi họp báo

Bên cạnh thực hiện các chính sách để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, điện tử hóa, hóa đơn điện tử, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì cơ quan thuế, hải quan cũng tích cực thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách; tăng cường công tác thu giao dịch thương mại điện tử, thu từ các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; phấn đầu hoàn thành cao nhất dự toán thu Quốc hội quyết định.

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước...Luỹ kế chi quý I đạt 17,5% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 10,1% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 10,35% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng giao). Chi thường xuyên ước đạt 22,4% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2022. 

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cần hạn chế mức ảnh hưởng thấp nhất tới nhà đầu tư

Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề được dư luận người dân quan tâm trong thời gian gần đây như vấn đề về vấn đề về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân, thuế tối thiểu toàn cầu, vấn đề về xử lý tình trạng ngân hàng bắt tay với doanh nghiệp “ép” khách hàng mua bảo hiểm, cổ phần hóa, sắp xếp lại cơ sở nhà đất, đầu tư công, quản lý nợ công,… đã được Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cùng Lãnh đạo một số đơn vị chức năng thông tin và giải đáp một cách thấu đáo.

Về các vấn đề liên quan đến Luật Thuế thu nhập cá nhân, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong năm qua, Bộ Tài chính đã có nhiều chương trình xây dựng pháp luật, trong đó có nhiệm vụ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Tổng cục Thuế đã tổng hợp với các đơn vị chức năng để đưa vào Đề án sửa luật gồm 17 nhóm vấn đề. Tuy nhiên, do chương trình sửa đổi pháp luật, sửa đổi luật phải có thời gian nghiên cứu, ưu tiên nên hiện nay Chính phủ đã báo cáo Quốc hội sẽ đưa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào chương trình sửa đổi năm 2025.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh giải đáp một số vấn đề liên quan tới thuế TNCN, thuế tối thiểu toàn cầu...

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định: Tổng cục Thuế luôn đánh giá, ghi nhận ý kiến vướng mắc trong việc thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân để tổng hợp tài liệu đưa vào chương trình sửa đổi chung của Chính phủ, Quốc hội.

Liên quan đến nội dung thuế tối thiểu toàn cầu được dư luận quan tâm, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng tác động trực tiếp đến chính sách ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, với thuế tối thiểu theo chương trình BEPS (hiện 143 nước tham gia, trong đó Việt Nam là thành viên thứ 100), để tránh cạnh tranh, các nước đưa mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu ở mức 15%. Một số đối tác lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... sẽ áp dụng từ năm 2024, do đó, sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam. Hiện nay, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính vẫn đang bám sát ý kiến các nước này để có những giải pháp hiệu quả nhất.

Làm rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh: “Thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề rất mới và quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo thành lập tổ công tác và Bộ Tài chính đã có tổ giúp việc đánh giá tác động của chính sách này; đồng thời đề xuất giải pháp làm sao tận dụng được lợi thế, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực của chính sách này. Vì là vấn đề mới, nên Bộ Tài chính cũng mong các cơ quan báo chí với những thông tin có được sẽ đóng góp cho Bộ Tài chính, Chính phủ nên làm thế nào để đạt được mục tiêu chính sách và thực hiện.”

Ông Doãn Thanh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục QLBH trả lời tại buổi họp báo

Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ

Về vấn đề liên quan đến đường dây nóng phản ánh tình trạng ngân hàng bắt tay với doanh nghiệp “ép” khách hàng mua bảo hiểm, ông Doãn Thanh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết: Sau hơn 1 tháng Bộ Tài chính công bố đường dây nóng gồm số điện thoại, email tiếp nhận nhanh thông tin phản ánh thắc mắc, kiến nghị của khách hàng về việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, đơn vị đã tiếp nhận được 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân về vấn đề này. Việc xử lý thông tin kiến nghị phản ánh được Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm thực hiện theo quy định của Nhà nước. Cục đã cử cán bộ trực tiếp tiếp nhận thông tin, phân loại thông tin phản ánh, đồng thời xác minh thông tin ban đầu.

Từ cuối năm 2022 đến nay, Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm đã tổ chức 4 đoàn thanh tra về bảo hiểm qua ngân hàng. Hiện đang hoàn thiện kết luận thanh tra, trong thời gian ngắn nhất sẽ ban hành kết luận. Sau khi có kết luận sẽ công bố. Nếu thanh tra phát hiện sai phạm nhất định sẽ xử lý theo quy định luật.

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã nhận được nhiều thông tin phản ánh về tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tại các ngân hàng. Thứ trưởng khẳng định: Đường dây nóng lúc nào cũng thông suốt, vừa hướng dẫn, phản ánh xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm, tránh hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm./.​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính