Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ Tài chính duy trì trong tốp dẫn đầu Chỉ số Cải cách hành chính

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Bộ Tài chính duy trì trong tốp dẫn đầu Chỉ số Cải cách hành chính

Chiều ngày 24/6, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC năm 2020 (PAR Index) của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS). Theo kết quả được công bố, Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 2 với kết quả Chỉ số CCHC đạt 94.84%. Đây là năm thứ 7 liên tiếp (2014-2020), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index.

a ta tuan.jpg

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, Thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ
phát biểu tại Hội nghị trực tuyến. Ảnh: Chí Thanh

Kết quả trên cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ Tài chính trong công tác CCHC, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến công bố PAR Index 2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, Thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ nhấn mạnh, trong những năm qua, Bộ Tài chính luôn coi CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và quyết liệt triển khai công tác này một cách đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính. Công tác CCHC của Bộ Tài chính không chỉ đạt kết quả tích cực trong từng lĩnh vực riêng lẻ mà giữa các lĩnh vực đã có sự bổ trợ cho nhau, tạo hiệu ứng nâng cao hiệu quả CCHC trong tất cả lĩnh vực tài chính.

Công tác xây dựng văn bản QPPL của Bộ Tài chính đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, kể cả các đề án, nhiệm vụ phát sinh ngoài kế hoạch.

Bộ Tài chính luôn chủ động trong cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 236 TTHC, đơn giản hoá 73 TTHC. Đến nay, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 895 TTHC. Đồng thời, Bộ Tài chính đã hoàn thành tích hợp, chia sẻ kết nối 285/520 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 55%).

Tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã cắt giảm 276 đầu mối hành chính; trong 6 tháng đầu năm 2021, tiếp tục cắt giảm 15 đầu mối đơn vị hành chính. Lũy kế từ năm 2017 đến nay, ngành Tài chính đã rà soát, sắp xếp bộ máy, cắt giảm được 4.343 đầu mối hành chính, giảm 09 đơn vị sự nghiệp công lập và trong năm 2021, Bộ Tài chính biên chế công chức đã giảm 10% so với năm 2015 đạt mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Đối với công tác cải cách tài chính công, thời gian qua Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, tập trung phấn đấu thực hiện đầy đủ và đồng bộ các giải pháp nhằm góp phần khơi thông, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời, từng bước tái cấu trúc nền tài chính quốc gia theo hướng an toàn, bền vững.

IMG_20210624_145742.jpg

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thu Hằng

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chủ động, quyết liệt triển khai chủ trương xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số, từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý và điều hành ngân sách và tài chính. Trong 8 năm qua, Bộ Tài chính luôn giữ vị trí dẫn đầu khối bộ, ngành trong bảng xếp hạng về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT index).

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua để xây dựng ngành Tài chính với bộ máy tinh gọn; đội ngũ công chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ và ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để hiện đại hóa hoạt động của ngành nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Năm 2020, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, đổi mới và sáng tạo trong chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ CCHC nhằm kịp thời ứng phó với những khó khăn, thách thức và những ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch và phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Tuệ Anh​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính