Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch theo hướng không phân biệt cấp đô thị

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch theo hướng không phân biệt cấp đô thị

Mới đây, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị cấp nước, cơ quan quản lý thực hiện thuận lợi, bảo đảm quyền lợi của khách hàng sử dụng nước tại các đô thị.

Đề xuất một mức giá giữa các đô thị

Theo quy định hiện nay, khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt được quy định tại Thông tư số 88/2012/TT-BTC ngày 28/5/2012 của Bộ Tài chính thực hiện theo quy định tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Theo đó, đối với khu vực đô thị được phân theo 02 nhóm đô thị: Nhóm đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 thì mức giá tối thiểu là 3.500 đồng/m3, mức giá tối đa là 18.000 đồng/m3; Nhóm đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 thì mức giá tối thiểu là 3.000 đồng/m3, mức giá tối đa là 15.000 đồng/m3.

M:\Nước-máy-luôn-là-vấn-đề-quan-trọng-mà-nhiều-người-quan-tâm.png

Ảnh minh họa – nguồn: Internet

Ông Đặng Công Khôi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình thực hiện từ năm 2012 đến nay có nhiều vấn đề phát sinh cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông ngiệp và Phát triển nông thôn; Do đó, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan chức năng cùng xây dựng Dự thảo Thông tư thay thế thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT và cả Thông tư số 88/2012/TT-BTC nêu trên.

Tại Dự thảo Thông tư đang gửi lấy ý kiến đã điều chỉnh gộp khung giá của các loại đô thị để quy định 01 khung chung cho phù hợp với thực tế và việc này không có tác động đến quy định chung về giá nước hiện hành. Việc gộp chung các nhóm đô thị thành 1 nhóm là nhằm xóa bỏ phân biệt loại đô thị, mặt khác cũng phù hợp với thực tiễn hiện nay là một số khu đô thị loại 2 đến 5 hiện có giá cụ thể cao hơn đô thị loại đặc biệt, loại 1. Mặt khác, về nguyên tắc thì việc quyết định mức giá cụ thể phải nằm trong khung nên việc tiếp tục phân loại giữa các loại đô thị là không còn cần thiết. Như vậy, nếu nhìn nhận dưới góc độ khung giá thì cũng có thể cho rằng đã có sự điều chỉnh giảm mức giá tối thiểu hiện đang áp dụng đối với các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1. Tuy nhiên, theo quy định thì giá bán cụ thể của từng địa phương do UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định trong khung (không thay đổi mức trần), bảo đảm phù hợp với nguyên tắc xác định giá, vì vậy việc điều chỉnh gộp khung như dự thảo Thông tư cơ bản sẽ không có tác động, biến động nhiều đến quy định chung về giá nước hiện hành.

Điều chỉnh giá nước theo mục đích sử dụng

Theo quy định tại Dự thảo Thông tư hiện đang lấy ý kiến, khung giá tiêu thụ nước sạch được chia làm 3 nhóm: (1) Hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực đô thị và khu công nghiệp (gộp nhóm các loại đô thị đặc biệt, đô thị loại 1,2,3,4,5). (2) Hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực nông thôn (như hiện hành). (3) Công trình cấp nước phi tập trung, công trình cấp nước nhỏ lẻ, công trình cấp nước tự chảy (đây là quy định định mới được đưa vào dự thảo này).

Dự thảo Thông tư bổ sung quy định khung giá cho nhóm công trình cấp nước cấp nước phi tập trung, công trình cấp nước nhỏ lẻ, công trình cấp nước tự chảy. Nhóm những công trình này là đặc thù khi thực hiện tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, chủ yếu cấp nước cho đồng bào dân tộc. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT thì giá nước nhóm công trình khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn về thẩm quyền quản lý và quy định giá nước, mức giá nước cụ thể nên cũng có những hạn chế, bất cập. Vì vậy, tại dự thảo Thông tư đã bổ sung khung giá cho nhóm công trình cấp nước này để hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện, tránh hiểu sai khi thực hiện tại các địa phương.

Ông Khôi cho rằng, dự thảo Thông tư cần nghiên cứu để điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch từ nguyên tắc phân biệt theo mục đích sử dụng (nước sạch hộ dân cư; Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (bao gồm cả trường học, bệnh viện), phục vụ mục đích công cộng; Hoạt động sản xuất vật chất; Kinh doanh dịch vụ) chuyển thành giá theo 03 nhóm đối tượng sử dụng nước cho sinh hoạt gồm: (1) Hộ dân cư sử dụng nước sạch sinh hoạt- mức lũy tiến 4 bậc; (2) đối tượng được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi phí hoạt động động sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt; và (3) đối tượng khác sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt. Qua đó giải quyết được vướng mắc về việc áp dụng giá cho đối tượng trường học tư, bệnh viện tư, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập tự chủ về nguồn chi nhưng dùng nước cho mục đích sinh hoạt.

Và một vấn đề khác cũng rất quan trọng là tỷ lệ hao hụt trước đây từ 23- 32%, qua thời gian thực hiện nay cần thiết phải điều chỉnh giảm tỷ lệ hao hụt nước sạch xuống còn 15% và 20% tùy thuộc khu vực đô thị, nông thôn, nhằm thúc đẩy các đơn vị cấp nước tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống, tăng cường quản lý, giám sát, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Không điều chỉnh giá tại khu vực nông thôn

Việc điều chỉnh gộp khung giá nước các khu vực đô thị sẽ không tác động đến quy định chung về giá nước hiện hành. Để đảm bảo hài hòa lợi ích của ba bên và minh bạch trong công tác quản lý giá, dự thảo Thông tư tiếp tục kế thừa các nội dung về nguyên tắc xác định giá nước sạch là phải tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ, có lợi nhuận…; phù hợp thu nhập người dân trong từng thời kỳ; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước; phù hợp với nguyên tắc thị trường, đó là phải được điều chỉnh kịp thời phù hợp với biến động của các yếu tố chi phí hình thành giá.

Qua thực tiễn, hiện nay khung giá nước ở khu vực nông thôn vẫn đang phát huy tác dụng, do đó, tại dự thảo Thông tư sẽ không điều chỉnh và kế thừa như hiện hành.

Mộc Lan​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính