Sáng 12/6, báo cáo giải trình làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội sau khi thảo luận về Báo cáo quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, do điều kiện kinh tế khó khăn nên chúng ta đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, tập trung vào những vấn đề như điều chỉnh chính sách thu để đảm bảo khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Quốc hội
Giảm thu ngân sách 1% từ các chính sách miễn, giảm thuế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu về chính sách thu ngân sách, thời gian qua, do điều kiện kinh tế khó khăn cho nên chúng ta đã sử dụng chính sách tài khóa rất linh hoạt mà tập trung vào những vấn đề như điều chỉnh chính sách thu để đảm bảo khuyến khích phát triển sản xuất trong nước. Chính sách miễn giảm quá nhanh, nhanh hơn so với lộ trình, nhanh hơn so với chiến lược thuế mà đã được duyệt.
Về lồng ghép chính sách thuế với các chính sách an sinh xã hội, theo Bộ trưởng, trong thời gian qua chúng ta giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp quá nhanh, từ 25% xuống 22% và phổ thông 20%, trong khi yêu cầu đến năm 2020 mới xuống 20%. Để khuyến khích đầu tư, nhiều chính sách về miễn, giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp đã miễn 4 năm, giảm 9 năm... rất nhiều chính sách để miễn, giảm. Những vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn và doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ cao, chúng ta miễn, giảm thuế rất nhanh. Thuế Thu nhập cá nhân, cũng điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế từ 4 triệu lên 9 triệu. Những chính sách này, đã giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1% GDP.
Trước tình hình đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, trong văn kiện nêu, tăng cường quản lý và từng bước cơ cấu lại ngân sách, chính sách thu và chi ngân sách nhà nước, động viên hợp lý các nguồn lực, phấn đấu tỷ lệ huy động và ngân sách nhà nước cho GDP bình quân 20% - 21%, tăng tỷ trọng thu nội địa và xây dựng hệ thống thuế đồng bộ và hiện đại.
Tại Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị ngày 18/11/2016 về tái cơ cấu ngân sách nhà nước đảm bảo an toàn nợ công, trong nghị quyết nêu: Tập trung cơ cấu lại nguồn thu, hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sơ thu, nhất là nguồn thu mới phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng tỷ trọng thu nội địa, đảm bảo tỷ trọng hợp lý của các chính sách thuế gián thu và trực thu.
Tại kỳ họp thứ 4 tới đây Bộ sẽ trình Quốc hội Luật Thuế bảo vệ môi trường, kiến nghị với Quốc hội sẽ điều chỉnh vào kỳ họp thứ 4 trình vào năm 2018 một luật, sửa 5 luật thuế và Luật thuế tài sản.
Triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Đại hội Đảng, chúng tôi mong Quốc hội ủng hộ, đồng tình theo hướng này và trong Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ nêu không ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước", Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Phân tích thêm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “Thuế Thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay thấp hơn bình quân của khu vực ASEAN. Chúng ta chỉ có 20% trong khi thuế thu nhập ASEAN là 23%, nhưng tỷ lệ huy động của chúng ta hơn 39% do điều tiết chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... cho nên Ngân hàng thế giới tính toán thì nói tỷ lệ động viên của chúng ta vào ngân sách cao, riêng thuế thì lại thấp hơn. Chúng tôi thấy đây là một vấn đề rất hệ trọng và tạo nền tảng cho vấn đề cơ cấu lại ngân sách, đảm bảo ổn định nguồn thu trong tương lai lâu dài", người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định.
Tăng cường thanh kiểm tra thuế
Nói về tình trạng trốn thuế, khai man thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định thời gian qua ngành Tài chính đã đổi mới phương thức quản lý và hiện đại hóa các thủ tục hành chính. "Hiện nay, doanh nghiệp đăng ký kê khai thuế điện tử lên đến 99,8% số lượng doanh nghiệp. Chúng tôi đã phối hợp với 42 ngân hàng thương mại để thu thuế qua mạng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng: "Trong khi khối lượng công việc, quy mô công việc tăng rất nhiều lần, chúng tôi vẫn phải đảm bảo thực hiện tinh giảm biên chế. Nhưng đồng thời phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiểm soát việc nộp thuế của các doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2015 thanh tra, kiểm tra 79.297 doanh nghiệp, với số kiến nghị xử lý thu vào ngân sách Nhà nước là 12.351, tỷ đồng giảm khấu trừ 1239 tỷ đồng, giảm lỗ qua thanh tra, kiểm tra 23.044 tỷ đồng, cả doanh nghiệp FDI rất lớn tổng số đến 36.600 tỷ đồng phải xử lý tài chính. Năm 2016 còn lớn hơn, 2017 ngành vẫn đang tiếp tục và đang phấn đấu bình quân 1 năm sẽ kiểm tra về thuế, thanh tra về thuế khoảng 20% số lượng doanh nghiệp.
Năm 2016 cũng tương tự như vậy, kiểm tra, thanh tra là 91.419 doanh nghiệp, tổng số kiến nghị thu vào ngân sách nhà nước là 17.285 tỷ đồng, ngoài ra đã phạt và chi hoàn là 1.400 tỷ đồng, giảm lỗ 7.491 tỷ đồng, giảm khấu trừ 79 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 3.942 tỷ đồng.
Giải trình về ý kiến đại biểu Quốc hội nêu về vấn đề hoàn thuế Giá trị gia tăng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hàng năm Chính phủ xây dựng dự toán và Quốc hội quyết định dự toán về hoàn thuế Giá trị gia tăng nằm trong mục cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu của dự toán ngân sách Nhà nước theo lĩnh vực.
"Chúng ta thực hiện hoàn thuế Giá trị gia tăng theo quy định của Luật về thuế Giá trị gia tăng và Luật Quản lý thuế và thuế Giá trị gia tăng phải hoàn là trách nhiệm của Nhà nước đối với người nộp thuế và không phải là khoản chi ngân sách Nhà nước đến đối tượng sử dụng ngân sách được dự toán theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước. Việc này, dự toán rất khó mà hoàn thuế như chúng tôi đã có lần báo cáo với Quốc hội trên bốn lĩnh vực, cho nên cũng chỉ là dự toán, đến cuối năm có thể thừa, có thể thiếu nhưng thực tế những năm vừa qua đang thiếu và cuối cùng khi quyết toán trong nhiệm kỳ trước thì nợ hoàn thuế Giá trị gia tăng của năm 2011 - 2013 là 33.000 tỷ đồng, 2 năm 2013 - 2014, tăng bội chi ngân sách Nhà nước lên, 33.000 tỷ đồng xử lý hai bước và đến năm 2015 phát sinh dư ra 7,4 nghìn tỷ", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích thêm
Về nợ thuế, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, số thu nợ thuế hàng năm rất cao. Năm 2016 thu về nợ đọng thuế là 42.000 tỷ, năm 2015 là 37.000 tỷ đồng, 2014 là 31.000 tỷ đồng, điều này cho thấy các giải pháp về quản lý, về hoàn thuế, quản lý về nợ đọng thuế rất quyết liệt.
Bộ trưởng cho biết, số liệu nợ thuế trong phạm vi giới hạn 90 ngày và trên 90 ngày có khả năng thu hồi hiện nay đang giảm rất sâu còn trên dưới 3%. Theo tính toán nợ thuế hàng năm của ngành Tài chính hiện ở mức khoảng 5%.
Về vấn đề bội chi ngân sách Bộ trưởng khẳng định, “Bội chi ngân sách nhà nước đảm bảo trong số tuyết đối mà Quốc hội phê chuẩn, tuy nhiên 3- 4 năm nay GDP không đạt theo kế hoạch cho nên số tương đối về bội chi, số tương đối về nợ công tăng nhanh. Đây là một thực tế đúng ra theo Luật Ngân sách nhà nước. Khi đã không đạt chỉ tiêu tăng trưởng, để quản lý bội chi và quản lý nợ công, chúng ta phải cắt giảm chi", Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ thêm về bội chi ngân sách.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 do Chính phủ trình về cơ bản là đảm bảo các yêu cầu, điều kiện để Quốc hội phê chuẩn và đánh giá cao, thống nhất với kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Kiểm toán nhà nước cũng như nhiều vấn đề được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.
Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được Ban thư ký của Quốc hội ghi chép và phản ánh đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các cơ quan liên quan của Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội phê chuẩn thông qua Nghị quyết về Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 vào cuối kỳ họp này.
Các bộ, ngành cùng vào cuộc để tiết giảm chi ngân sách
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, phải tập trung tiết kiệm chi. Nhiều định mức, nhiều chính sách hiện nay lỗi thời, cần phải sửa, cần đẩy mạnh việc khoán chi, các loại khoán chi và đặc biệt chi thường xuyên phải đẩy mạnh theo phương thức khoán.
Cùng với đó là sắp xếp lại tổ chức bổ máy và tinh giản biên chế, có như vậy mới giải quyết được vấn đề về tiền lương. "Chúng ta phải đẩy mạnh xã hội hóa về dịch vụ công. Mặc dù nói về ngân sách nhưng thực ra là đồng bộ và liên quan đến các ngành, liên quan đến các lĩnh vực. Bây giờ có cắt cái gì thì vẫn cắt nhưng biên chế cứ phình ra, tổ chức cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại ngân sách, không thể giảm chi thường xuyên được. Chúng tôi thấy việc Quốc hội phản ánh, các vị đại biểu Quốc hội phản ánh là rất đúng nhưng cần có sự phối hợp, cần có sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành cùng phải thực hiện, cùng phải triển khai hiệu quả thì ngân sách nhà nước mới từng bước, từng bước đưa về tình hình lành mạnh hơn hiện nay".
|
N.L