Skip Ribbon Commands
Skip to main content

92,6% tổng số doanh nghiệp trên cả nước đã triển khai hóa đơn điện tử

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
92,6% tổng số doanh nghiệp trên cả nước đã triển khai hóa đơn điện tử

Ngày 1/6, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về “Kết quả bước đầu và những vấn đề cần giải quyết khi triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh và Phó Chánh Văn phòng Đinh Mai Long đồng chủ trì cuộc họp báo. Tham dự họp báo có đại diện một số Vụ, Cục và các phóng viên theo dõi ngành Tài chính.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh trả lời các câu hỏi của phóng viên

Bước chuẩn bị kỹ càng

Tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, với mục tiêu đến ngày 1/7/2022 toàn bộ người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã phê duyệt việc tổ chức thực hiện triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình 2 giai đoạn: (1) Triển khai giai đoạn 1 tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ) từ ngày 21/11/2021. (2) Triển khai giai đoạn 2 tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại từ tháng 4/2022.

Để triển khai hoá đơn điện tử thành công, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã từng bước chuẩn bị hoàn tất về cơ sở vật chất cũng như hạ tầng kỹ thuật: Ban hành các kế hoạch triển khai chi tiết; huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị tại các tỉnh, thành phố trên cả nước để tham gia chỉ đạo và trực tiếp triển khai; thành lập trung tâm điều hành và hỗ trợ triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế để tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp kịp thời các yêu cầu phát sinh trong quá trình triển khai; thực hiện kết nối với các tổ chức nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu HĐĐT… Ngoài ra, cơ quan thuế các cấp đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chính sách, quy định cũng như lợi ích khi áp dụng HĐĐT; tập huấn về chính sách, quy trình quản lý cho cả cán bộ thuế và NNT.

Kể từ thời điểm bắt đầu triển khai, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, các Cục Thuế tiếp nhận và khẩn trương xử lý tờ khai đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử của doanh nghiệp; tiếp nhận và cấp mã cơ quan thuế cho hóa đơn điện tử của doanh nghiệp thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã; tiếp nhận dữ liệu hoá đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế,... Tổng cục Thuế, các Cục Thuế đã tổ chức tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vướng mắc thông qua hệ thống đường dây nóng, kênh hỗ trợ điện tử, chatbot, đồng thời cũng đã tổ chức công tác quản trị, vận hành hệ thống hóa đơn điện tử 24/7 đảm bảo hoạt động ổn định không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế.

Trong quá trình triển khai, Tổng cục Thuế phối hợp với các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử hoàn thiện giải pháp, kết nối, truyền nhận dữ liệu hóa đơn điện tử; đặc biệt là thiết kế, xây dựng và triển khai hệ thống hóa đơn điện tử tại cơ quan thuế trên nền tảng công nghệ 4.0, hệ thống dữ liệu lớn (Big data) giúp xử lý số lượng lớn giao dịch hóa đơn, linh hoạt và đảm bảo tính an toàn bảo mật….

Kết quả triển khai hóa đơn điện tử

Tính đến ngày 24/5/2022, số lượng người nộp thuế (NNT) đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC; Trong giai đoạn 1 triển khai tại 6 tỉnh, thành phố đã có 100% doanh nghiệp đang hoạt động, 100% cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai tham gia. Giai đoạn 2 triển khai tại 57 tỉnh, thành phố đã có 309.243 doanh nghiệp (tương đương 83,6% tổng số doanh nghiệp) đang hoạt động và 100% cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai (30.489 cá nhân kinh doanh) tham gia.

Toàn cảnh

Như vậy trên cả nước, đã có 764.314 doanh nghiệp (tương đương 92,6% tổng số doanh nghiệp) và 52.778 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC.

Số lượng hóa đơn cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý từ khi triển khai đến ngày 24/5/2022 là 318.401.123 hóa đơn, trong đó có 106.414.378 hóa đơn có mã, 41.347.907 hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế, 170.588.512 hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp cơ quan thuế, 50.326 hóa đơn theo lần phát sinh.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, việc triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu 1/7/2022 toàn bộ người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, sở/ban/ngành trên toàn quốc và của toàn xã hội. Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành công văn số 10847/BTC-TCT ngày 20/9/2021 và công văn số 1799/BTC-TCT ngày 24/2/2022 gửi Ủy ban nhân dân, Tỉnh ủy, Thành ủy về việc phối hợp triển khai hóa đơn điện tử trong đó đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực triển khai tại các tỉnh, thành phố và sự phối hợp vào cuộc của các Sở, ban, ngành trong quá trình triển khai đặc biệt liên quan công tác tác tuyên truyền về lợi ích, kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử. Với sự chỉ đạo của Ủy Ban nhân dân, Tỉnh ủy, Thành ủy và sự phối hợp của các Sở, ban, ngành trong triển khai hóa đơn điện tử đã góp phần triển khai công hóa đơn điện tử giai đoạn 1 và sẽ hoàn thành giai đoạn 2 theo kế hoạch.

Các giải pháp khi triển khai hóa đơn điện tử

Tại cuộc họp, nhiều phóng viên cho rằng, thời gian để cấp mã hóa đơn điện tử có mất nhiều thời gian không? Đồng thời, có nên tích hợp mã QR code để người dân không phải dùng tiền mặt? Liệu việc gian lận hóa đơn có xảy ra khi dùng hóa đơn điện tử?

Trả lời các câu hỏi của phóng viên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, thời gian cấp mã rất nhanh, chỉ mất khoảng 1/10 giây. Việc tích hợp mã QR code cũng đã được triển khai, tích hợp trên hệ thống thanh toán. Việc gian lận hóa đơn điện tử sẽ ít hơn bởi khi thanh toán, các hóa đơn này sẽ được lưu vết trên hệ thống. Các giao dịch đó sẽ được cơ quan thuế phân tích các dấu hiệu tội phạm bằng trí tuệ nhân tạo.

Phó Chánh Văn phòng Đinh Mai Long đề nghị các phóng viên đặt câu hỏi về việc triển khai hóa đơn điện tử

Một trong những giải pháp quan trọng mà ông Minh đề cập, đó chính là giải pháp về tuyên truyền để người dân và xã hội hiểu lợi ích của hóa đơn điện tử. Vì theo ông Minh, hóa đơn điện tử là một loại hình hóa đơn mới và khi được triển khai thì nhiều NNT còn chưa nắm rõ được nội dung, lợi ích trong việc áp dụng. Do đó, ngành Thuế đã xác định công tác tuyên truyền là nội dung quan trọng được triển khai ngay từ giai đoạn chuẩn bị triển khai với việc phối hợp với các Sở, ban, ngành địa phương trong việc tuyên truyền dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú... Chính việc triển khai rộng khắp công tác tuyên truyền đã góp phần giúp người nộp thuế nắm bắt và phối hợp cùng cơ quan thuế trong triển khai hóa đơn điện tử.

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2022/NĐ-CP thì đối tượng người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử rất đa dạng với nhiều loại hình kinh tế và cách thức quản lý khác nhau. Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai theo từng đợt đối với người nộp thuế theo từng loại hình khác nhau nhằm bảo đảm hiệu quả trong công tác triển khai cũng như không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của người nộp thuế. Đồng thời, ngành Thuế đã tập trung huy động nguồn lực tối đa trong việc triển khai, hỗ trợ NNT và phát động phong trào thi đua trong toàn Cục Thuế, Chi cục Thuế từ đó tạo động lực lớn thúc đẩy quá trình triển khai hóa đơn điện tử tại cơ quan Thuế.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, việc triển khai hóa đơn điện tử thực hiện trên toàn quốc trong đó các địa bàn có tình hình kinh tế xã hội khác nhau, do đó ngành Thuế đã chủ động phối hợp với các Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để bố trí, phân bổ nguồn lực trong triển khai, tập huấn, tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa,....

Việc hỗ trợ người nộp thuế kịp thời tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng khi triển khai áp dụng hoá đơn điện tử cũng là vấn đề mà ngành Thuế đã xác định và triển khai ngay từ khi bắt đầu với việc thành lập các Trung tâm điều hành tại Tổng cục Thuế, 63 Cục Thuế và thành lập các Tổ xử lý vấn đề tại từng Chi cục Thuế nhằm nhanh chóng nắm bắt các vướng mắc, khó khăn của người nộp thuế trong triển khai bảo đảm việc triển khai không gây ảnh hưởng, cũng như sự khó khăn cho người nộp thuế.

 

Triển khai hoá đơn điện tử là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính và góp phần thực hiện chiến lược Chính phủ điện tử. Thực hiện hóa đơn điện tử là một đột phá lớn của ngành Thuế. Việc triển khai hoá đơn điện tử sẽ góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời cũng góp phần chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.

Kim Chung​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính